Giết con chim nhại – Harper Lee

Mỹ là một mảnh đất đa chủng tộc, từ những ngày đầu lập quốc, người da màu đã chịu sự khinh bỉ, coi thường của người da trắng, thậm chí họ còn bị bán đi làm nô lệ và bị đối xử tàn nhẫn. Trước những thực trạng ấy nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh ra đời nhằm giảm bớt sự căng thẳng của nạn phân biệt chủng tộc và Giết con chim nhại là tác phẩm đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi lớn lúc bấy giờ.

Là tác phẩm đưa Nelle Harper Lee đến gần hơn với đọc giả, bà rất sâu sắc khi dùng hình ảnh của con chim nhại để nhân hóa cho những kiếp người da màu đáng thương. Không to lớn như Đại bàng cũng không đáng sợ như Cú tuyết, chim nhại một loài chim của sự hiền lành “chẳng làm gì ngoài chuyện hót cho chúng ta nghe bằng cả trái tim của nó”, vậy mà tác giả đã dùng động từ “ giết” để thấy rõ sự tàn ác máu lạnh đã dập tắt đi sự sống của chim hay nói đúng hơn là đã giết chết những con người lương thiện chỉ muốn sống bình yên bên gia đình của mình.

Chính những hình ảnh gai góc ấy đã khấy lên một cơn sóng dữ dội không chỉ ở nước Mỹ mà lan ra cả thế giới. Tác phẩm này đã giúp Nelle Harper Lee đoạt giải Pulitzer năm 1961 và Huân chương Tự do của Tổng thống do Tổng thống George W.Bush trao tặng năm 2007 cùng rất nhiều giải thưởng danh giá khác.

Phân biệt chủng tộc không phải là đề tài lạ nhưng Harper Lee đã khiến tác phẩm trở nên lạ và lôi cuốn bởi giọng kể của trẻ thơ – cô bé Scout. Với góc nhìn ngây ngô nhưng đầy lòng trắc ẩn của một đứa bé 6 tuổi  đã khiến cho người đọc phải suy nghĩ và nhìn lại bản thân mình.

Có hai vấn đề
lớn cần phải chú ý trong tác phẩm mà tôi rút ra được. Một là cách dạy con của
ông bố Atticus, hai là bản lĩnh dám đương đầu với cái xấu để bảo vệ lẽ
phải.

Lấy bối cảnh ở
miền Nam nước Mỹ trong một thị trấn nhỏ Maycomb, những đứa trẻ là Scout, Jem và Dill hàng xóm vui chơi với nhau khi hè đến. Trong
thế giới của lũ trẻ chúng luôn tìm tòi và khám phá những điều mới ở xung quanh
mình, bỏ qua nỗi sợ của bản thân để tìm ra được sự thật.

Tôi rất ấn tượng với nhân vật cô bé Scout, là một cô bé ngây thơ, tốt
bụng và thẳng thắn. Cô hỏi bố Atticus về mọi điều thắc mắc của mình như tại sao người hàng xóm Boo Radley không bao giờ tiếp xúc với họ, tại
sao ông ấy không ra ngoài vào ban ngày, tại sao cô giáo lại bắt Scout không được
học đọc trước ở nhà… các câu hỏi được được đặt ra một cách ngây ngô nhưng đã
vô tình làm cho cô bé có những tiếp thu từ thực tiễn, dần hình thành tính cách
ham học hỏi, biết lắng nghe và áp dụng vào cuộc sống sau này.

Jame, anh trai của Scout là một người anh gan dạ, thương em, tuy
có một chút bướng bỉnh nhưng rất hiểu chuyện, luôn tìm tòi những vấn đề thắc mắc
quanh mình. Dill, một đứa trẻ hàng xóm chỉ đến chơi vào dịp hè, nó mang những bộ
phim được xem từ Meridian kể cho Jame và Scout nghe, nó là một “người đóng thế”
hoàn hảo của Scout, nó “…mớm cho chúng tôi ý tưởng dụ Boo Radley ra khỏi
nhà”.Cũng nhờ có Dill mà mùa hè của anh em nhà Jem trở nên thú vị hơn.

Và người tôi khâm phục hơn cả là ông bố Atticus, một người bố luôn dành hết tình cảm cho các con của mình, mặc dù vợ ông đã mất từ khi Scout lên hai nhưng ông vẫn đảm đương công việc làm cha và làm mẹ, một điều mà rất ít đàn ông làm được khi không có người phụ nữ ở bên. Ông dạy con theo cách riêng của mình, ông để chúng tự trải nghiệm với cuộc sống và tự nhìn nhận sự việc bằng đôi mắt trẻ thơ chưa bị vẫn đục nhưng vẫn đảm bảo rằng những đứa trẻ lớn lên sẽ là một người tử tế như ông.

Khi mọi người đều cho Boo Radley là một kẻ giết người đáng sợ mà không một ai dám lại gần thì bố Atticus đã nói “Scout, con sẽ sinh hoạt thoải mái hơn nhiều với đủ lọai người. Con không bao giờ thực sự hiểu một người chừng nào con chưa xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó.” Khi Scout đánh nhau ở trường thì “…Con có thể nghe một số lời đồn xấu về vụ này ở trường, nhưng nếu được thì hãy làm cho bố một điều: con hãy ngẩn cao đầu và hạ nắm đâm xuống.

Cho dù ai có nói bất kỳ điều gì với con, đừng để chúng khiến con nổi giận. Cố đấu tranh bằng cái đầu của con cho một sự thay đổi, đây là một chuyện tốt,…Đơn giản bởi vì cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng.”

Những điều mà bố Atticus đã làm, đã dạy cho bọn trẻ sẽ làm cho nhiều
bậc cha mẹ phải suy ngẫm lại mình, nhất là ở thời điểm hiện đại hóa, con người
ta chỉ chú tâm vào việc kiếm tiền và cho con đi học để sau này kiếm được nhiều
tiền mà quên mất là con cần gì và nên dạy điều gì cho bọn trẻ. Atticus là điển
hình của những người cha tuỵêt vời khi công việc luật sư bận rộn chiếm phần lớn
thời gian của ông nhưng  Jem và Scout rất
ngoan và hiểu chuyện.

Điều thứ hai tôi thật sự khâm phục Atticus chính vì ông là một người mà theo tôi gọi là anh hùng khi quyết định nhận bào chữa cho Tom Robinson một người đàn ông da màu bị kết tội cưỡng hiếp con gái nhà Ewell một người da trắng. Khi quyết định nhận lời bào chữa cho Tom, Atticus đã biết trước sẽ có những rắc rối xảy đến với gia đình nhỏ của ông nhưng với cương vị là một luật sư bảo vệ sự công bằng thì không phân biệt chủng tộc, ông chỉ bảo vệ cho lẽ phải, cho lương tâm của mình.

Nhưng cũng từ đó anh em nhà Jem đã phả chịu những lời đe dọa và lời ác nghiệt từ gia đình nhà Ewel và những người da trắng khác. Tất nhiên, khi họ gọi Atticus là “yêu bọn mọi đen” thì Scout cũng buồn và thắc mắc tại sao bố lại bảo vệ người da đen ấy, Attiicus đã chia sẽ với cô bé rằng “Nhưng trước lúc bố sống được với người khác bố nên sống với chính mình. Với một thứ không tuân theo nguyên tắc hầu hết, đó là lương tâm của loài người.” Bạn có suy nghĩ gì về câu nói này? Với Atticus ông đang chống lại cộng đồng da trắng để bảo vệ một người da đen khi lương tâm ông cho rằng điều đó là đúng, cần phải bảo vệ anh ta, cần phải cho anh ta có được một cuộc sống bình thường vì anh ta là một người tốt, một người vô tội.

Khi Tom ở trên tòa và anh ta kể về những gì đã xảy ra giữa anh và
cô Ewell, tôi như cảm nhận được nỗi uất ức đến ghẹt thở của anh ta khi bị lợi dụng
trong một thời gian dài. Biết mình là người da màu bị kỳ thị nên Tom luôn cố
hòa đồng và giúp đỡ gia đình Ewell nhưng anh vẫn không thoát khỏi sự phân biệt
đến chết này. Khi ông Bob Ewell cười khinh trước những gì mà Tom nói càng khiến
tôi bức xúc như muốn có mặt tại phiên tòa ấy để cho ông ta một bài học. Chỉ là
bức xúc của cá nhân thôi chứ tôi không thể làm thay đổi bất kỳ điều gì vì ngay
từ đầu tỉ lệ mà Tom vô tội chỉ là 0,01% nhưng Atticus vẫn muốn giúp anh đến
cùng cho dù phải kháng cáo tại tòa án cấp cao. Tiếc thay những ràng buộc, phân
biệt chủng tộc đã không cho Atticus làm điều đó khi Tom bỏ trốn và đã bị bắn chết.
Buồn có, khóc có, phẫn nộ có, uất ức có và “cười” cũng có, vì tòa án đã không
thể trả lại sự công bằng cho Tom nhưng Atticus, tôi và các bạn đọc sẽ có một nhận
định riêng cho mình về những gì mà Tom Robinson đã làm.

Khi chứng kiến cảnh bố hết mình bảo vệ Tom, một con chim nhại đáng
thương những đứa trẻ càng có thêm niềm tin và dũng khí đối đầu với những thử
thách phía trước. Đó là một bài học mà chúng đã học được từ người bố tuyệt vời
Atticus. “…Cứ bắn mọi con giẻ xanh mà con muốn, nếu con có thể bắn
trúng, nhưng hãy nhớ giết một con chim nhại là tội lỗi.”

Một câu chuyện oan sai kết lại làm cho nhiều người phẫn nộ nhưng khép lại
cuốn tiểu thuyết vẫn là một hình ảnh đẹp khi Boo Radley gã hàng xóm đáng sợ đã
cứu anh em Jem – Scout thoát khỏi kẻ giết người Bob Ewell. Hình ảnh Scout nắm
lấy tay của Boo và mỉm cười làm cho cảm thấy ấm lòng và tự hào về cô bé, ngưỡng
mộ cách dạy con của Atticus “ Phần lớn mọi người đều tốt cả, con ạ, chỉ có điều
con chưa nhận ra đấy thôi”

Giết con chim nhại, một tiểu thuyết đơn giản nhưng sâu sắc, bình dị nhưng rất tinh tế đã đem lại cho tôi nhiều suy nghĩ và cũng nhiều bài học mà con người ta đã vô tình quên đi khi sống trong một thế giới vội vã. Giáo dục là yếu tố luôn được con người chú trọng khi sinh một đứa trẻ ra đời, các trường học đều có khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” hay “Thành nhân trước khi thành danh”.

Ấy vậy mà vẫn có nhiều thế hệ trẻ đã bỏ qua điều này, là do họ quên hay cách giáo dục của gia đình chưa phù hợp?. Điều này thì phải để cho bản thân của mỗi người tự nghiệm và rút ra bài học, thay đổi bản thân, thay đổi cách sống để tạo ra một xã hội tốt đẹp.

Tiểu thuyết này cũng đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên năm 1962 và đã mang lại 8 đề cử cho giải Oscar, chiến thắng thêm ở 2 hạng mục. Với hai cách diễn đạt khác nhau nhưng cả phim và truyện đều vô cùng cuốn hút, tạo được nhiều ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả và hơn hết là tạo ra một cơn sốt lớn về vấn đề phân biệt chủng tộc và giáo dục, là vấn đề luôn được mọi người quan tâm dù ở bất cứ giai đoạn nào của thế giới.

Review sách Giết con chim nhại

Download ebook Giết con chim nhại PDF tại đây