Tình mẹ, đó là một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng, cao quý mà không gì có thể so sánh được. Mỗi người phụ nữ khi gánh trên mình tiếng gọi mẹ đều mang trách nhiệm và lòng thương yêu con vô bờ bến. Tất cả những người mẹ trên thế giới này đều có một điểm chung là tấm lòng yêu thương con không tính toán, không vụ lợi, chỉ mong sao những đứa con của mình đi đến bến bờ mang tên hạnh phúc.
Họ đều có cách riêng để thể hiện tình thương yêu của mình đối với con cái và bà mẹ Sara Imas cũng vậy. Trong cuốn sách nổi tiếng Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương bà mẹ Do Thái đã nêu lên quá trình dạy con của mình, nó trái với cách yêu thương của các bà mẹ Châu Á khi tác giả Sara dùng nghệ thuật “Không” đối với con cái.
Sara Imas sinh năm 1950, mang hai dòng máu Thái – Trung. Mẹ là người Trung Hoa, bố đã định cư trong cộng đồng người Do Thái ở Thượng Hải hơn 20 năm. Đến năm 12 tuổi bố Sara qua đời, bà phải bươn chải để lo cho cuộc sống.
Năm 1980, bà sinh được 3 người con nhưng sau đó trở thành mẹ đơn thân, mười năm sau bà đưa cả 3 con về Isarel, chính tại đây, quan điểm giáo dục của bà đã có nhiều thay đổi lớn do ảnh hưởng của nền giáo dục đặc biệt tại đất nước này. Hai người con trai của bà sau khi tốt nghiệp đại học đều trở thành triệu phú khi tuổi còn rất trẻ, người con gái cũng sắp tốt nghiệp ở một đại học trứ danh.
Từ những gì đã học được và áp dụng thành công vào những đứa con của mình, Sara đã viết nên tác phẩm Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương để chia sẽ cho các bậc cha mẹ Trung Quốc nói riêng và Châu Á nói chung về nghệ thuật dạy con của người Do Thái.
Với những phương pháp và quan điểm riêng, cách dạy con của người Do Thái vừa cương vừa nhu nhưng lại có tính răng đe và giáo dục cao, chính vì vậy mà thế hệ trẻ của người Do Thái đều có những thành công đáng nể trên thương trường quốc tế khi hầu hết các Giáo sư-Tiến sĩ đạt giải Nobel đến từ đất nước Isreal này. Bài học quý giá mà Sara ghi nhận được từ các bà mẹ Do Thái và thay đổi cách dạy con của mình khi còn chưa quá muộn đó là:
Rèn luyện khả năng sinh tồn
Khi cuộc sống quá đầy đủ cho một đứa trẻ sẽ khiến chúng ỷ lại vào cha mẹ, chúng không biết làm việc gì trong nhà dù là nhỏ nhất như dọn những thứ đồ chơi mà chúng bày ra hay giúp mẹ nhặt rau. Cứ như vậy càng lớn chúng chỉ có một suy nghĩ là mẹ hoặc người giúp việc sẽ làm hết cho mình và công vệc của mình chỉ là ăn, học và chơi.
Thật đáng lo lắng hay đúng hơn là đáng sợ khi một đứa trẻ như vậy bước vào đời, một cuộc đời mà không phải bao giờ cũng có bố mẹ bên cạnh. Chính vì vậy mà kỹ năng sinh tồn được các bà mẹ Do Thái rất chú trọng từ khi những đứa trẻ bắt đầu lên 3.
Họ sẽ cho chúng làm những việc nhẹ nhàng và phù hợp với khả năng của chúng để chúng vừa có thể biết làm mọi việc. Một là giúp đỡ trong nhà, hai là có thể phục vụ bản thân cho sau này, và đơn nhiên là chúng sẽ nhận lại tiền từ công sức của mình.
Ở Việt Nam từ xưa đã có câu “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho” nhưng có một thực tế là ở Việt Nam lại thực hiện rất ít, đa số câu này là dành cho những người trưởng thành nên tính tự lập và khả năng sinh tồn của trẻ em Việt Nam rất thấp đặc biệt là trẻ em ở thành phố. Nên thông qua cách “làm việc nhận thù lao” của người Do Thái sẽ cho trẻ rèn luyện khả năng quản lý tài sản, tự đảm đương công việc, làm việc để sinh tồn.
Sara nói, khi chuyển về lại Isreal bà đã làm nem cuốn mang đi bán để trang trải cuộc sống và 3 người con phải cùng nhau giúp đỡ mẹ bán hàng, và mỗi người sẽ nhận được thù lao tương ứng với số nem mà mình bán ra. Ban đầu con của bà rất ngại khi mời chào nhưng lâu dần cũng quen và công việc này trở nên thú vị và làm cho các con hào hứng với những gì chúng đã bỏ ra và sẽ thu lại.
Từ những công việc tuy nhỏ thế thôi nhưng có ích trong việc trau dồi giao tiếp và quan hệ xã hội, biết cách nói chuyện để thu thập thông tin, để nghiên cứu thị trường và cuối cùng là đưa ra những sản phẩm chất lượng đến với khách hàng. Sara Imes cho rằng: “khả năng quản lý không nhất thiết chỉ được đào tạo từ Học viện quản lý mà gia đình mới là nơi dạy cho con bài học quản lý hiệu quả nhất”.
Rèn luyện ý chí của trẻ
Ý chí chính là sức mạnh, quyết tâm sẽ đưa ta đến thành công. Thương con, yêu con
nhưng không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu của con dù cho gia đình có đủ điều
kiện. Phải biết cách trì hoãn, phải đặt ra thử thách để con vượt qua khó khăn
đó thì mới có thứ mình mong muốn, như vậy sẽ rèn luyện được tính kiên trì và
không ngừng cố gắng của con để đạt được
mục đích của mình.
Có nhiều cách để rèn luyện ý chí của trẻ được Sara nêu ra và cách mà người Do Thái yêu con chính là dạy con. Với họ khi con được 80 điểm là đã rất tốt rồi, không phải là họ không coi trọng việc học tập mà họ dạy con theo cách tự nhiên nhất, để con tham gia và trải nghiệm những công việc từ trong nhà đến ngoài xã hội, tôn trọng những quyết định của trẻ và để chúng mắc sai lầm rồi chúng mới nhận ra điều đúng đắn để bước tiếp.
Họ công nhận nổ lực chứ không công nhận kết quả, họ công nhận điểm 80 thay vì điểm 100 của con vì họ biết sau đó con họ sẽ tiếp tục nổ lực chứ không phải dừng chân mãi ở 100 điểm đó.
Rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề
Trong mỗi tình huống của cuộc sống nên để con tự đưa ra cách giải quyết. Nếu con làm gãy bút chì màu của bạn thì con xin lỗi hay là trốn tránh? Từ cách giải quyết của con bố mẹ sẽ đưa ra những lý giải đúng sai để con nhìn nhận vấn để và lần sau nếu có gặp trường hợp tương tự thì con biết phải làm sao.
Bố mẹ không nên im lặng trước những quyết định của con dù có đúng hay sai thì cũng nên để con biết và điều không nên làm là thay mặt con xin lỗi cho những việc làm của con, điều đó sẽ làm con lúc nào cũng có suy nghĩ là đã có bố mẹ bảo vệ, có làm sai điều gì thì đã có bố mẹ đứng ra chịu trách nhiệm.
Điều mà hầu như trẻ em Do Thái nào cũng trải qua là khi đủ 18 chúng có thể sống tự lập. Trong cuốn sách, Sara đã đề cập đến một nguyên tắc gọi là “giáo dục chậm”. Có nghĩa là sự nhẫn nại trong mọi tình huống của con trẻ, không đưa ra phán xét hay áp đặt khi mới chỉ nhìn vào biểu bên ngoài thời của trẻ. Cũng giống như chăm sóc một cái cây, không thể nhìn thấy cái cây xấu xí mà bảo chúng ra hoa không đẹp.
Khi đã làm cha mẹ, ai cũng
yêu thương con, cũng muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con nhưng phải suy nghĩ
đúng đắn về cách dạy con, nếu không những điều được gọi là yêu thương lại là
con dao hai lưỡi làm hại con từ lúc nào không biết rồi lúc bố mẹ nhận ra thì hai
từ hối hận đã không còn có giá trị.
Đối với Sara Imas từ lúc tiếp thu được cách dạy con của những bà mẹ Do Thái khác, từ “Không” đối với bà rất nhẹ. Khi nói không với con tấm lòng người mẹ cũng có nhiều áy náy, nhiều giằng xé đặc biệt là với các con của bà khi không có cha nhưng với bà thì “Không” của bà bây giờ là “Có” của các con sau này.
“Mẹ ạ! mẹ đã trao cho anh em con ba chiếc chìa khóa là kiên cường, tự tin và khoan dung, nay chúng con sẽ tặng lại mẹ 3 chiếc chìa khóa. Dĩ Hoa nói: mẹ! con tặng mẹ chiếc chìa khóa ô tô vì chân của mẹ hay đau nhứt, sau này con không thể để mẹ phải cực khổ nữa. Huy Huy nói: mẹ! con sẽ tặng mẹ chiếc chìa khóa ngôi biệt thự để cả nhà mình có thể sống bên nhau.
Muội Muội bé nhất nhà cũng chen vào nói, con là con gái nhất định con sẽ tặng mẹ một chiếc chìa khóa két sắt bên trong chứa đầy vàng bạc châu báu”. Ba người con của Sara ai cũng làm được điều mình nói với mẹ đó là một điều vô cùng hạnh phúc với bà, hạnh phúc không phải là sống trong lụa là gấm vóc, không phải là xe đón xe đưa mà hạnh phúc thật sự của bà là những đứa con đã mang tri thứcđến với cuộc sống, mang nhân tâm đến với con người và làm những điều có ích cho xã hội.
Sara Imas đã đưa cho chúng ta 6 thời điểm nói “ không” với con cái:
- Nói không với những đòi hỏi quá đáng.
- Nói không với nguyên tắc đã được thiết lập.
- Nói không khi con đe dọa đến bản thân mình và người khác.
- Nói không với những hành vi nguy hiểm.
- Nói không khi con đùn đẩy trách nhiệm.
- Nói không khi con có biểu hiện của tính buông thả.
Những từ “Không” của Sara đã tạo nên những triệu phú trẻ tuổi nhưng vẫn rất lành mạnh trong cuộc sống, người ta ngưỡng mộ những đứa con một nhưng ngưỡng mộ cách dạy con của người mẹ mười, vì bà là một người mẹ đơn thân quá tuyệt vời.
Hiện nay, những gia đình dù có điều kiện hay không thì cũng chỉ sinh từ một đến hai con để có thể yêu thương và chăm sóc đầy đủ cho con. Có trường hợp ở một gia đình khá giả, khi cậu con trai thi đổ vào một trường đại học công lập ở Sài Gòn thì họ không cho cậu ấy ra ngoài học tập mà chuyển hồ sơ về trường đại học gần nhà để an tâm chăm sóc và lo lắng cho cậu.
Tôi không biết cuộc sống sau này của cậu khi không có cha mẹ thì ra sao, nhưng hiện giờ mọi suy nghĩ, hành động đều phụ thuộc vào cha mẹ. Họ cứ nghĩ vậy là thương yêu con nhưng rồi có một ngày họ sẽ không ngờ tình cảm mà họ dành cho con là sự hủy hoại khả năng sinh tồn của con, họ tự chặt đi đôi tay, đôi chân và khóa luôn suy nghĩ của con. Đây là cách yêu thương con cái đang rất phổ biến và nó cũng đang dần dần ăn mòn tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam.
Thế hệ trẻ của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng mỗi người nên trang bị cho mình kiến thức nuôi dạy con cái từ khi kết hôn. Không thể dạy con thành triệu phú nhưng ít nhất con cái của mình cũng có Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín và có thể tự lập trong mọi hoàn cảnh với đôi tay và trí óc của bản thân thì đó cũng là điều hạnh phúc đối với các bậc phụ huynh.
Không có gì là quá muộn cho những sai lầm, Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương là cuốn sách về nghệ thuật dạy con dành cho tất cả mọi người. Hãy đọc và nghiệm nhé!