Sự im lặng của bầy cừu – Thomas Harris

Sự im lặng của bầy cừu” là một trong những cuốn tiểu thuyết trinh thám đỉnh cao trong việc khai thác đề tài tâm lý tội phạm. Tác giả Thomas Harris đã dựng lên một thế giới hết sức bí ẩn và rùng rợn giữa những trận chiến tâm lý hết sức cân não của các nhân vật.

Vừa có yếu tố trinh thám, yếu tố hình sự, pha chút kinh dị và đan xen trong đó những kiến thức về tâm lý học tội phạm. Chỉ dựa vào một cái xác chết đã đoán được thủ phạm ở căn nhà mấy tầng? Tất cả những điều khó nhằn ấy sẽ được giải đáp trong cuốn sách lôi cuốn này.

Thomas Harris đã cho ra mắt nguyên series tiểu thuyết trinh thám kinh dị gồm Rồng đỏ, Sự im lặng của bầy cừu và Hannibal. Vốn nội dung khá phức tạp nên để hiểu sâu hơn từng nhân vật trong đó, độc giả thường tìm đọc những cuốn còn lại cùng Series. Nếu bạn là một người ưa thích mạo hiểm, khám phá những bí mật ẩn sâu trong từng câu chuyện, thì cuốn sách này là một lựa chọn hoàn hảo đấy.

Bằng những chi tiết gây cấn, tác giả đưa người đọc trải qua những cảm xúc hồi hộp gây cấn mọi lúc mọi nơi. Và tất nhiên không thể kể đến những hình ảnh ghê rợn của tên thủ phạm biến thái, chỉ tưởng tượng thôi người đọc đã hãi người rồi đấy. Một cuốn sách được ví như một chuyến phiêu lưu mạo hiểm tìm ra bí mật đằng sau của mỗi người.

Hai nhân vật chính trong tiểu thuyết là bác sĩ tâm lý Hannibal Lecter và cô thực tập sinh FBI Clarice Starling. Là đại diện cho hai mặt đối lập của mọi sự việc, giữa cái ác và cái thiện, cái tốt và cái xấu. Nếu Clarice là hiện thân cho chính nghĩa, cho lẽ phải thì vị bác sĩ thông thái có phần điên loạn kia lại là một kẻ sát nhân ghê rợn.

Nhưng không phải vậy mà Clarice và Lecter chiến đấu với nhau từ đầu tới cuối, mà ngược lại, họ được xem là những người bạn “tâm giao” trong công cuộc tìm kiếm tên sát nhân. Để nhận được những chỉ điểm từ Lecter, Clarice đã phải đánh đổi bằng những bí mật từ thuở bé của mình, nhưng cũng chính vì vậy, mà cô dần thoát khỏi những nỗi ám ảnh đeo bám hàng đêm.

Cô bé Clarice Starling đã từng có một khoảng thời gian sống trong chăn trại gia súc cùng với đàn ngựa và đàn cừu. Những tiếng mài dao sắc lạnh, tiếng đàn ngựa chạy loạn và đàn cừu kêu la đã trở thành nỗi ám ảnh của cô.

Cứ mỗi lần nhắm mắt lại hình ảnh đàn cừu gào thét trong tuyệt vọng lại hiện lên trong cô khiến cô không thể ngủ được. Cho đến khi cô trở thành một FBI gặp gỡ với vị bác sĩ tâm thần Lecter, những cuộc trò chuyện đã phần nào giúp cô tìm lại được bình an nơi tâm hồn mình.

Nổi bật xuyên suốt trong truyện là vị bác sĩ thiên tài chuyên ngành thần kinh học có sở thích kinh tởm đó là ăn thịt người. Lecter vốn là một vị bác sĩ thường xuyên trò chuyện với những tên giết người biến thái, bất ổn về thần kinh để tìm ra những điểm tối trong tâm lý của họ.

Người ta khen ông quá giỏi giang khi có thể nhẹ nhàng nói chuyện với những tên tay dính máu người như thế. Nhưng phải chăng chính vì để thấu hiểu được họ, ông cũng trở nên điên dại không bình thường? Ông bắt đầu dùng đầu óc của mình tạo ra nhiều kế hoạch hết sức tinh vi để giết người rồi ăn thịt.

Cái sở thích điên loạn của ông khiến người đọc khiếp sợ nhưng cái bộ não thiên tài của ông càng khiến người đọc khiếp đảm hơn. Ông giết người khi đã ngồi trong nhà giam đặc biệt dưới cái nhìn của hàng ngàn camera hay ông thản nhiên trò chuyện cùng FBI qua song sắt, thi thoảng chỉ điểm vài chỗ giúp FBI phá án.

Hình ảnh của ông được tác giả xây dựng quá hoàn hảo đến độ chỉ nhắc đến Lecter là đủ cho những tên cảnh sát quèn sợ hãi. Bằng bộ óc siêu nhạy, khả năng quan sát tinh vi, Lecter đã biến mọi người trở nên trần trụi trước mặt mình. Ông nhìn rõ sâu trong từng nỗi sợ của người đối diện, chơi đùa với chúng mặc cho chủ nhân của nó đang gào thét. Có lẽ, vì quá thông minh nên những tên giết người tầm thường không đủ tầm với ông, ông cần hẳn là những tên biến thái dựng vụ án giết người hàng loạt.

Nếu chỉ đọc qua “Sự im lặng của bầy cừu” có lẽ cái nhìn của độc giả đối với Lecter quá cay nghiệt khi phán xét về nhân tính của ông. Bởi trên đời này sẽ không ai tự nhiên mà biến chất như Lecter. Mọi sự đều có nguyên do của nó và Lecter cũng vậy.

Tuổi thơ của ông, nghề nghiệp và cả bộ óc siêu thường đó đều vô tình trở thành những yếu tố thay đổi con người Lecter. Thế nên thay vì đáng ghét thì những con người bị hoàn cảnh giày vò như ông càng đáng thương hơn. Cả những tên tội phạm đó, bọn chúng không sai khi bị đời đưa đẩy như vậy, bọn chúng chỉ sai khi chọn cách đối diện với cuộc đời mà thôi.

Đây chính là một trong những thông điệp ẩn mà tác giả muốn gửi đến người đọc. Ai cũng có một quá khứ cho riêng mình, mang trên mình một vết sẹo tâm lý đi suốt cuộc đời này.

Dẫu có đau đớn có muốn xóa tan nó nhưng càng muốn thì vết sẹo lại càng hiện hữu rõ hơn. Hồi ức càng đau vết sẹo càng sâu, nỗi lòng càng nặng, tâm lý càng bất ổn,… và tất cả chúng đổ dồn lên số phận cuộc đời chúng ta. Nhưng nếu chúng ta sa ngã, trượt một đường dài vào con đường tội phạm thì đó chính là cái kết cục tầm thường nhất mà cuộc đời muốn.

Cái quan trọng là chúng ta phải biết bỏ qua nó một bên, tạm gác lại để tiếp tục sống một cuộc sống bình thường ở phía trước. Những gì đã cũ, chúng ta nên đóng hộp lại, cất vào nơi góc nhỏ trong tim, chỉ để biết chứ đừng dùng nó làm công cụ biến mình thành tội phạm rồi biện minh cho tội ác của mình.

Với những yếu tố như vậy, chẳng ngạc nhiên gì khi “Sự im lặng của bầy cừu” trở thành tiểu thuyết kinh dị hàng Top của diễn đàn văn học thế giới. Bạn cũng hoàn toàn có thể góp nhặt được nhiều điều bổ ích qua cuốn sách này.

Nếu không kể đến những thông điệp kể trên thì kiến thức về tâm lý học tội phạm, tâm lý học hành vi đã phần nào giúp kho tàng tri thức của bạn trở nên phong phú hơn. Thế nên, “Sự im lặng của bầy cừu” xứng đáng cho bạn đọc thử một lần rồi nghiễm nhiên nằm trên kệ sách nhà bạn.