Nỗi buồn chiến tranh | Bảo Ninh | Allaboutmiracle

Nỗi buồn chiến tranh được xuất bản lần đầu năm 1987, được chắp bút bởi nhà văn Bảo Ninh, khi cuốn sách lần đầu xuất hiện đã tạo một cơn bão trong làn văn học nước nhà thời bấy giờ. Bởi đây là thời kỳ hậu chiến, khi mà trong thời chiến tất cả các tác phẩm văn học đều phải ca ngợi lòng yêu nước, sự dũng cảm của thời chiến thì ở thời hậu chiến nền văn học nước nhà lâm vào sự luẩn quẩn, lỗi thời, nó yêu cầu phải có sự đổi mới về tư duy, phải có các chủ đề mới hơn, khai thác nhiều khía cạnh hơn.

Chính lúc này, cuốn sách xuất hiện và thu được sự chú ý của nhiều người đọc với nhiều lời khen hay chê. Cuốn sách đã bị tác giả đổi tên thành “Số phận tình yêu” nhằm trốn tránh kiểm duyệt.

Nỗi buồn chiến tranh viết về một chủ đề nhạy cảm thời bấy giờ nên đã bị cấm xuất bản, tuy nhiên điều này cũng không thể vùi lấp đi giá trị độc nhất mà tác phẩm mang lại. Đến năm 1991, tác phẩm đã được tái bản và được nhiều đọc giả đón nhận và gặt hái được nhiều giải thưởng, tác giả đã được tái bản nhiều lần và chuyển ngữ sang nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Nỗi buồn chiến tranh là những ký ức, hồi tưởng của nhân vật Kiên về thời chiến, về đồng đội, về những cô gái anh đã phải lòng và cũng cả về cuộc sống hiện thực ngột ngạt, tuyệt vọng với sự sống của anh. Cả tác phẩm khồn có một dòng thời gian nhất định, tất cả chỉ là sự hồi tưởng trong tuyệt vọng của Kiên khi anh không thể tồn tại trong hiện thực mà phải tìm về quá khứ ngày xưa để tìm lại con người bị chôn giấu dưới lớp bom đạn chiến tranh xưa kia.

Tác phẩm mở đầu bằng cơn mưa rào – thứ xuất hiện xuyên suốt trong dòng hồi tưởng của anh, cơn mưa đưa anh trở về với những đồng đội đã ngã xuống trong mười năm chiến tranh ấy, thứ như bóng ma ám ảnh cả tâm trí anh suốt mười năm hòa bình, thứ ngấu nghiến đi cả con người anh.

Mưa mang trong mình từng tế bào, từng linh hồn, từng niềm vui và nỗi đau của đồng đội đã nằm lại nơi đây. Mưa vờn trên tán cây, mưa nhỏ xuống cabin, nhuộm đẫm những bọc hài cốt lạnh lẽo bên cạnh Kiên. Trong cơn mưa đó, lần đầu tiên trong tác phẩm Kiên đã quay lại với chiến trường xưa, quay lại với từng trận đánh đẫm máu,với từng tiếng súng, nơi sự sống kết thúc.

Đồng thời cũng là nơi cả trung đoàn của Kiên chiến đấu hết mình với kẻ thù đến hơi thở cuối cùng nhưng rồi cả tiểu đoàn đã phải chôn thân ở nơi đây mà sau đó không ai nhớ đến cảnh họ trút đi hơi thở cuối cùng như Kiên. Anh tận mắt chứng kiến thần chết đến vờn quanh cả tiểu đội và rồi cuối cùng lần lượt cướp đi hơi thở của họ.

Cái chết không được vẹn toàn thân xác con người của mỗi người trong họ, ánh mắt cầu xin được chết của tiểu đội trưởng khi anh đã quá đau đớn khi ruột trào ra ổ bụng, xương cốt gãy từng đoạn, có những người chẳng còn lại gì sau một bãi bùn lầy với mảnh vải còn sót lại, có cả những cái xác trương phình nổi lềnh bềnh của kẻ địch.

Họ có hay chăng chứng kiến thân xác của mình bị bao phủ bởi dòi bọ, bùn đất, có khi cả máu thịt của đồng đội và kẻ thù. Còn Kiên, những vết thương trộn lẫn máu và bùn khiến anh chập choạng trong cơn mê, cứ ngất rồi tỉnh và cứ lặp lại như vậy nhiều lần trong những cơn thở mong manh rồi yếu dần của sự sống hòa cùng tiếng gió thét như tiếng gào thét của những con người đã ngã xuống nơi đây.

Sau trận chiến đấu là mưa, mưa như gột rửa đi hết dòng máu nóng đã đổ xuống ở nơi này, mưa chôn vùi thân xác không còn lành lặn của 27 chiến sĩ dũng cảm ấy, mưa như muốn rửa trôi đi hết ký ức kinh hoàng về đêm hôm ấy, cơn mưa ấy như thấm vào tận đáy lòng anh và ám ảnh anh đến tận lúc anh trở về với đất mẹ.

Mưa ngấm xuống lòng đất, mang lại sự sống cho muôn loài và cũng chôn cất thi thể cho những người lính ấy, dù là lính ta, lính tây, lính ngụy thì khi sự sống chấm dứt, về với đất mẹ thân yêu thì có hay chăng sự thù địch, những nỗi đau của cuộc chiến tranh sẽ biến mất. Có những đêm đi dọc đồi núi miền bắc, đến nơi chiến trường năm xưa -Chuông gọi hồn để thu lượm hài cốt đồng đội xưa là mỗi đêm Kiên gặp lại đồng đội, gặp lại sự sống, gặp lại chính mình năm xưa.

Cũng ngay trong đêm đó, Kiên gặp lại tiểu đội của mình còn nguyên vẹn, lành lặn, đầy đủ thân xác – những người anh chứng kiến trút đi hơi thở cuối cùng,bị thần chết cướp đi sự sống. Kiên nhớ lại ký ức nơi núi rừng Tây nguyên sâu thẩm, rừng sâu nước độc ấy, nơi anh và cả tiểu đoàn đau khổ day dứt với nỗi đau chiến tranh, với cái đói nghèo, bệnh tật, những cơn sốt rét cướp đi sự sống của đồng đội anh, nơi cái giá lạnh thấu xương và cả cái mùi gay mũi của những vết lở loét không thể chữa trị.

Và rồi xuất hiện những cuộc đào ngũ nhiều như rơm rạ, như những cơn sốt rét không thể ngăn cản. Đến đây, hình ảnh của Can – người lính đào ngũ vì lo cho người mẹ già một mình côi cút, hiện lên trong tâm trí anh đầy ám ảnh, một cái chết nhẹ nhàng, thầm lặng nhưng lại đầy khinh bỉ thời đó, anh ta ngã xuống nhưng không nhận được sự đau thương, tiếc nuối của đồng đội mà chỉ có sự khinh bỉ mà thôi.

Với đôi mắt bị quạ, cá rỉa hết, sâu hoắm, đen ngòm, thân xác phủ đầy bùn đất và dòi bọ khi được tìm thấy. Những nỗi đau này như muốn quật ngã họ và họ đã chọn cách đê mê trong cơn say để quên đi thực tại tàn khốc này.

Mùi hoa hồng ma la lan tỏa trong từng căn lều của họ, nhưng trớ trêu ở đây là loài hoa hồng ma la chỉ mọc lên từ đất đẫm máu và họ đã hút loài hoa mọc lên từ chính xương máu của đồng đội mình. Đan xen với những nỗi đau ấy cũng không thiếu những kỷ niệm đẹp, những sự bình lặng, những lạc thú giữa chốn rừng núi Tây Nguyên, chứng kiến sự vui vẻ bình dị đậm chất lính và cả những mối tình hoang dại của những người lính nơi đây.

Ở đây, cơn mưa lại đến, nhuốm đẫm sự u ám, lạnh lẽo, là chứng nhân cho những cái chết vô danh mà anh hùng. Tác giả viết theo lối hành văn hiện tại và quá khứ song hành nhau, những ký ức của anh không có trật từ rõ ràng mà chồng chéo, đan vô nhau như con người Kiên bây giờ.

Chính lối viết này đã làm bật lên sự đau thương của chiến tranh, cho ta thấy chiến tranh tàn phá con người như thế nào qua ánh nhìn của Kiên. Quay trở lại với thực tại của Kiên, anh vùi mình trong căn phòng trọ kí túc xá chật chội, vùi mình vào rượu vào thuốc lá hòng quên đi nỗi đau ở hiện tại và tìm về với quá khứ xưa kia.

Con người bị tổn thương trong chiến tranh chưa được hồi phục lại đã tiếp tục chứng kiến những hoàn cảnh bị thương của những người anh biết năm xưa. Anh chứng kiến người con gái anh yêu suốt đời sa đọa, bị người đời vùi dập, mắng chửi, bởi những người đầu ấp tay gối mà anh xem là đồng đội khi xưa.

Anh quay về quê của người anh em đồng chí khi xưa để giao lại kỉ vật nhưng lại chứng kiến làng quê ven thành phố nghèo, đàn trẻ con gầy trơ xương nô đùa, những chú chó lông bện bụi bặm chạy rong và hơn nửa làng đi làm ăn xin, móc rác sống qua ngày.

Khi đến gặp người mẹ mù của người đồng đội xưa, khi thấy con gái bà lấy từng kỷ vật ra cho bà cầm, người phụ nữ khốn khổ ấy đã ôm lấy từng kỷ vật con trai mình để lại, vuốt ve như đang ôm lấy người con trai năm ấy vậy, trong đôi mắt đục ngầu vì mỏi mệt ấy của bà đã khô cạn nước mắt vì người chồng, người con đã hi sinh trên chiến trường mà không nhận được thi thể toàn vẹn.

Anh lại chứng kiến mẹ của Can – người đào ngũ năm xưa ấy tuyệt vọng khi mất đi kẽ sống duy nhất của đời mình, khi lại chứng kiến cảnh nghèo đói, khốn khổ của những đồng đội thân thiết năm xưa. Hơn cả vậy là cảnh anh nhìn thấy em gái của người đồng đội thân nhất với anh năm ấy vì nghèo đói mà phải bán cả thân xác mình.

Biết bao cảnh ngộ xung quanh mình khiến anh ta bị chai kỳ với hiện tại và phải sống ở quá khứ mới có thể cảm giác mình còn sống, Kiên cảm tưởng như bị gạt ra khỏi khung cảnh hòa bình ấy, nơi anh đã hi sinh cả cuộc đời mình, cả lẽ sống, cả mồ hôi và máu của anh nói riêng và người chiến sĩ nói chung để đúc nên sự hòa bình này.

Thế nhưng trớ trêu là điều mà anh mong mỏi, ước ao nhất như vậy lại là nơi anh không thể tìm thấy lẽ sống. Chiến tranh như một cỗ máy khổng lồ hút hết cả sức sống, niềm vui, ước mơ cao đẹp, lòng nhân ái của Kiên sau đó trả lại một Kiên ở thời bây giờ cọc cằn, cáu bẳn và nghiện rượu, thuốc lá.

Ta có thể dễ dàng nhận thấy Kiên mắc phải hội chứng PTSD – hội chứng thường gặp ở các người lính sau khi tham gia chiến tranh.

Thế nhưng, chiến tranh không phải là điều duy nhất Bảo Ninh muốn nói đến ở đây mà song hành với nó còn có cả tình yêu. Xuyên suốt tác phẩm,trong từng dòng hồi tưởng, những dòng suy nghĩ nội tâm của Kiên luôn lấp ló bóng hình của một người con gái và đó chính là Phương.

Phương và Kiên là đôi thanh mai trúc mã lớn lên cùng nhau, nhà gần nhau, học cùng lớp nên khi cả hai yêu nhau như là điều tất nhiên. Kiên không hiểu cha-người họa sĩ lỗi thời và cũng không yêu mẹ – một cán bộ cách mạng, thế mà anh lại đem lòng yêu Phương – cô gái trong sáng tuyệt đẹp như nữ thần trong lòng anh.

Cô cũng là người hiểu Kiên nhất, cô hi sinh mọi thứ vì anh, khi Kiên nghe theo tiếng gọi trái tim và quyết nhập ngũ thì cô đã không ngăn cản anh, nhưng cô đã cảnh báo anh, chiến tranh sẽ là thứ hủy hoại anh và cô, hủy hoại đi tình yêu giữa hai người. Thế nhưng, người thanh niên trẻ ấy quyết tâm bỏ qua mọi thứ vì chí lớn của anh, kể cả Phưởng, tình yêu của đời anh.

Đến sau này, khi vượt qua được mọi chông gai của cuộc đời, sinh tử trong làn bom đạn, trải qua nhiều với mối tình với nhiều người phụ nữ khác nhau thì anh mới nhận ra một điều, đời anh chỉ có 2 mối tình và đối tượng cả 2 mối tình đều là Phương.

Thời hậu chiến hai người lại tiếp tục gặp lại nhau như số phận đưa đẩy, nhưng cả hai đã bỏ lỡ quá nhiều dù cả hai còn yêu nhau thắm thiết. Cuộc chia ly định mệnh ấy bắt đầu lúc Kiên chứng kiến cảnh Phương bị hãm hiếp bởi chính những người đồng đội tương lai của anh, khi ấy anh bỏ lại cô và quyết ý lên tàu ra chiến trường.

Sự kiện bất ngờ đó làm thay đổi mối quan hệ của hai người và cả cuộc đời của Phương. Kể cả trong cuộc chiến hay trong cuộc sống thì Phương vẫn là một sự đau đớn, một miền ký ức cay đắng và cũng là đẹp đẽ nhất, là điều ngọt ngào nhất, đã đưa anh từ quá khứ đến hiện tại. Dù không được bên nhau nhưng cả hai vẫn đều quan tâm chăm sóc nhau một cách thầm lặng.

Cả cuốn sách nói
về sự đấu tranh, đau đớn khôn nguôi, sự dũng cảm phi thườngcòn có cả sự hối tiếc
vì đã chiến tranh đã nghiền nát nhân tri của một con người, khiến ta giết chết
sự sống, để cho những người ở lại là sự tiếc thương tột cùng, sự mong mỏi vô bờ.
Cuốn sách được ca ngợi là một cuốn sách về con người sau cuộc chiến tiêu biểu
nhất, là cuốn sách chạm đến mẫu số chung của nhân loại, đề cao giá trị cá nhân,
của hạnh phúc con người trong thời đại hòa bình.

Nếu bạn là fan trung thành của cuốn tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, bạn bị lay động bởi trái tim đau đớn khôn nguôi, những trăn trở về chiến tranh và hòa bình của người chiến sĩ thời hậu chiến thì chắc chắn Nỗi buồn chiến tranh sẽ không khiến bạn thất vọng. Vậy bạn còn không chờ gì nữa mà không cùng tôi khám phá cuốn sách nào?

Review sách Nỗi buồn chiến tranh

Download ebook Nỗi buồn chiến tranh PDF tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *