Mùa hè năm 2014, sau 3 ngày miệt mài, tôi đã kép lại những trang sách cuối cùng của cuốn tiểu thuyết Rừng Na Uy. Quên đi cái nóng oi bức của Sài Gòn tâm trí tôi lúc bấy giờ chỉ là một màn sương lạnh với nhiều suy nghĩ rối bời, trong lòng khó chịu, tức tối và những hình ảnh khó quên của các nhân vật trong cuốn sách này.
Cũng vào mùa hè, năm năm sau, tôi vô tình xem được bộ phim chuyển thể từ tác phẩm Rừng Na Uy, cảm xúc tôi lúc này lại nhẹ nhàng và có chút niềm vui, lạc quan hơn trong cái gọi là tình yêu đôi lứa. Không phải cảm xúc khi đọc và khi xem sẽ khác nhau mà có lẽ khi đi qua cái tuổi giảng đường thì suy nghĩ trở nên chính chắn hơn, mọi thứ của cuộc sống cứ thả theo tự nhiên thì trong lòng sẽ thấy thoải mái, yêu người và yêu đời hơn.
Ở mỗi độ tuổi con người ta sẽ có cho họ những nhận định riêng về tình yêu và tôi
cũng vậy, ở tuổi 25 tôi cũng có cho mình tình yêu, giận hờn, buồn bã, chia tay
và hạnh phúc. Hai từ hạnh phúc nghe sao đơn giản nhưng để giữ được nó đến cuối
đời cùng với người ta yêu thương thì không dễ tí nào. Haruki Murakami cũng vậy,
các nhân vật mà ông tạo ra nắm giữ những hạnh phúc mỏng manh mà tưởng chừng như
một cơn gió nhẹ qua cũng có thể mang nó đi mất.
Tác giả đã rất tài tình để đưa người đọc đi vào bối cảnh của những năm 1960 – 1970 khi mà những cuộc bạo động diễn ra liên tục, đấu tranh, đả đảo, biểu tình phản đối chính trị, đóng cửa tụ điểm ăn chơi, gái gú, thuốc phiện, rượu bia diễn ra hằng ngày. Ít ai có thể tưởng tượng rằng một siêu cường quốc Nhật Bản như ngày nay lại có một thời tăm tối như vậy.
Ở xã hội ấy lúc bấy giờ chết chóc vốn là điều không hề đáng sợ mà điều đáng sợ hơn là những con người phải sống trong hoàn cảnh ấy, phải chịu đựng, phớt lờ những thứ xung quanh để tiếp tục sống nhưng đáng tiếc là họ chẳng thể thoát khỏi cái số phận đáng thương đã được định sẵn từ khi họ được sinh ra đời.
Với ngôi kể thứ nhất từ nhân vật Watanabe hình ảnh của các nhân vật còn lại được
tái hiện một cách sinh động, giàu cảm xúc nhưng đồng thời cuộc sống của họ cũng
được miêu tả một cách trần trụi qua góc nhìn sâu sắc của tác giả. Những bạn trẻ
ở độ tuổi thiếu niên được Murakami xây dựng
sở thích, tính cách, số phận một cách rõ ràng nhưng điểm chung của các
nhân vật này chính là sự cô độc, cô độc với những bí mật riêng được chôn dấu mà
không ai có thể tìm ra.
Kizuki là bạn thân của Watanabe và là bạn trai của Naoko, chỉ xuất hiện ở vài dòng ngắn ngủi trong cuốn tiểu thuyết rồi cậu ta tự tử mà không ai biết lý do. Tôi theo dõi từng trang sách để có một câu trả lời cho cái chết của Kizuki nhưng đến cuối cùng tác giả vẫn để cho người đọc suy đoán, có thể là vì tình cảm với Naoko? Vì áp lực học hành hay gia đình?
Nhưng là vì gì đi nữa thì Murakami vẫn rất hay khi không chỉ để người đọc luôn suy nghĩ về hình ảnh nhân vật mà còn nhớ tới ông với một cách viết ấn tượng khác biệt. Bí mật cái chết được chôn vùi của Kizuki không chỉ để Watanabe nhận ra “Chết không phải là đối nghịch của sống.
Nó đã đang ở đây rồi, ngay bên trong tôi, nó đã luôn luôn ở đây, và không có gì có thể cho phép tôi quên được điều đó. Khi nó lấy đi Kizuki mới mười bảy tuổi đầu trong cái đêm tháng Năm ấy, sự chết đã túm được cả tôi” mà cả tôi khi nhận ra sự sống trên đời này rất ngắn ngủi, đôi khi một nụ cười của ai đó chỉ vừa thấy hôm qua, hôm nay và mãi mãi sẽ không bao giờ nhìn thấy được nữa.
Nagasawa là hình ảnh phản ánh chân thật từ những biến động của cuộc sống, một chàng trai với lý lịch hoàn hảo. Gia đình, thành tích, giao tiếp thậm chí là ăn chơi, anh ta điều khiến mọi người phải nể phục.
Anh ta thành thạo tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp và đang tự học tiếng Ý. Với vẻ hào nhoáng bên ngoài thì anh ta có mọi thứ, chỉ cần đứng im một chỗ cũng có nhiều người tìm đến, đặc biệt là các cô gái trẻ muốn ngủ với anh, nhưng theo tôi cảm nhận được thì anh ta không có gì cả, trái tim của anh ta đang đóng băng và những thứ vật chất mà người ta ngưỡng mộ chỉ là để che lấp đi sự cô đơn đến tuyệt vọng.
Nagasawa là người tôi cảm thấy đáng thương nhất trong câu chuyện bởi vì đến cuối cùng anh ta cũng không tìm được con người mình, chỉ biết sống mạnh mẽ để chứng tỏ với mọi người xung quanh và chọn cách “bỏ trốn” để giải thoát cho bản thân.
Reiko xuất hiện không nhiều nhưng cũng gây cho tôi ấn tượng không hề nhỏ, là một người thông minh, cô rất giỏi về âm nhạc, dùng tiếng đàn của mình làm dịu tâm lý của người khác, đặc biệt các truyền tải thông tin của cô làm cho người đối diện dễ hiểu. Trong tưởng tượng của tôi Reiko là một cô gái thanh mảnh, nhẹ nhàng có giọng nói ấm áp, nếu là một nhân vật có thật thì cô chắc sẽ là một người truyền cảm hứng tuyệt vời.
Nhưng đến cuối cùng điều làm cho tôi bất ngờ là Reiko lại xin “Cậu làm chuyện ấy với tôi được không, Watanabe?”, lý do là gì thì không ai có thể biết nhưng cô ấy đã lấy lại những gì đã mất 7 năm trước “Tôi không còn bao giờ phải làm chuyện này nữa cho đến tận cuối đời. Ôi chao, Watanabe, cậu hãy nói rằng đó là sự thật đi. Hãy nói rằng từ nay tôi có thể yên trí vì tôi đã làm đủ hết cho cả đời rồi”.
Có thể thấy Reiko đã thỏa được một nguyện vọng nào đó và không ai có thể trách cô ấy mà còn cảm thương cho số phận của người con gái này.
Midori là nhân vật có tính cách vui tươi, dễ thương nhưng đằng sau đó sự vui vẻ ấy là một câu chuyện buồn từ gia đình mà Midori phải cất giấu sau lưng để tiếp tục sống. Tính cách của cô gái này như câu “ngày mai dù có ra sao nữa, dù có ra sao cũng chẳng sao”, đó là điều rất cần thiết trong cuộc sống và tôi cũng phải học hỏi sự mạnh mẽ và yêu đời như Midori.
Khác với Naoko, Midori quết đoán, thẳng thắn, đối đầu với các sự việc xảy ra, dù nó là đau khổ nhưng cô vẫn mạnh mẽ vượt qua để bản thân cô không bị chìm sâu trong bóng tối.
Midori bước vào cuộc đời Watanabe như bóng đèn tỏa sáng, làm cho Watanabe có con đường để bước tiếp sau cái chết của Naoko. “Tớ là một đứa con gái có thực và đang sống, với dòng máu sinh động có thực đang chảy ào ạt trong người. Cậu đang ôm tớ trong tay và tớ đang nói với cậu rằng tớ yêu cậu. Tớ sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì cậu bảo tớ làm. Có thể tớ hơi điên, nhưng tớ là một cô gái ngoan, trung thực, và tớ chăm chỉ, tớ cũng xinh xắn, tớ có vú đẹp, tớ nấu bếp giỏi, và bố tớ để lại cho tớ cả một quỹ tiền tiết kiệm. Tớ muốn nói rằng tớ là cả một món hời đấy, cậu không thấy sao? Nếu cậu vẫn không chấp nhận thì tớ sẽ đi tìm chỗ khác”.
Naoko là nữ chính của Rừng Nauy, hình ảnh của Naoko xuất hiện trong câu chuyện một cách mờ nhạt như cơn rào cứ nhẹ nhàng, nhẹ nhàng nhưng lại không thể phủ nhận rằng cơn mưa ấy cứ thế thấm dần vào đất làm ướt mềm cả một khu rừng rộng lớn và làm ướt cả trái tim của tôi. Sẽ có nhiều bạn không thích nhân vật này vì cô ấy chẳng có mấy điểm nổi bật, cả câu chuyện Naoko chỉ biết chốn chạy để tìm một nơi bình yên cho mình mà bỏ mặc cả thế giới bên ngoài.
Không thể làm tình càng khiến cô mệt mỏi và cảm thấy bản thân không còn giá trị cho cuộc đời làm căn bệnh trầm cảm của cô ngày càng nặng hơn. Chỉ mở lòng được một lần với Watanabe vào ngày sinh nhật 20 tuổi của mình điều đó khiến cho cô có thêm nhiều suy nghĩ tiêu cực.
Với nhiều bạn thì vấn đề tình dục là vấn đề nhạy cảm nhưng ở nước Nhật đây được xem là văn hóa và hiện nay tình yêu đi liền với tình dục đó câu nói phổ biến khi hẹn hò nhưng với văn hóa của Việt Nam thì tình dục cũng phải ở độ tuổi và thời gian thích hợp thì mới có kết quả tốt.
Tâm lý tình dục nghe đơn giản nhưng ẩn sâu bên trong là những chuyện mà không ai ngờ, nên vẫn có nhiều vụ ly hôn do không hợp nhau về chuyện chăn gối. Naoko là cô gái với nội tâm chồng chất và cô không thể vượt qua nó để rồi dẫn đến con đường cuối cùng như Kizuki đó là tự tử, một kết thúc mà không ai muốn thấy đặc biệt là Watanabe.
Và cuối cùng là nguời kể chuyện Watanabe, anh ta cảm nhận rõ được sự việc và những người xung quanh mình, tuy nhiên anh chẳng làm gì được ngoài việc chờ đợi, anh ta trốn chạy để quên hết những chuyện đau buồn nhưng nó vẫn bám lấy anh khi cái chết của Kizuki chưa được bao lâu thì đến Naoko. Một là bạn thân và một là người anh yêu cả hai đều tự tử và đều mang theo lý do về cõi vĩnh hằng. Những gì anh ta còn lại chỉ là sự cô đọc đến đáng sợ, đáng sợ hơn cả cái chết. “Tôi ngồi dựa lưng vào tường, dán mắt lên trần nhà. Khi thấy đói, tôi sẽ gặm bất kì thứ gì vớ được ở xung quanh, uống tí nước, và khi nỗi cám cảnh đau buồn ập đến, tôi lấy rượu whisky để hạ gục chính mình. Tôi không tắm. Không cạo mặt. Ba ngày liền trong tình trạng như thế. …Một lần tôi thuyết phục họ cho tôi ngủ trong góc một sở cảnh sát, lần khác thì ngủ ngay cạnh nghĩa địa. Tôi chẳng cần biết mình ngủ ở đâu, chỉ cốt sao chỗ đó thật vắng vẻ và tôi có thể nằm trong túi ngủ bao lâu tuỳ thích. Đi bộ kiệt sức rồi, tôi chỉ việc chui vào túi chăn, nốc vài ngụm whisky rẻ tiền rồi ngủ say bí tỉ. Ở những nơi tử tế thì người ta mang cho tôi đồ ăn và mùng màn, còn những nơi không được tử tế lắm thì người ta gọi cảnh sát đuổi tôi ra khỏi công viên. Với tôi thì cũng chẳng khác gì. Tôi chỉ muốn được ngủ ở những nơi hoàn toàn xa lạ”.
Có thể thấy Watanabe là người được mọi người thấu hiểu nhiều nhất khi mà trên con đường đời còn lại anh ta phải đối mặt với những quá khứ đau buồn, hiện tại khó khăn và tương lai mờ mịt.
Nghệ thuật miêu tả của Murakami làm cho người đọc như được xem phim, các khung cảnh rừng, tuyết trắng, sự vật, con người được miêu tả một cách khéo léo, tỉ mỉ mà chỉ cần nhắm mắt khung cảnh ấy hiện ra ngay trong đầu. Đây là điều mà tôi cực kỳ thích trong những tác phẩm của Murakami.
Trong cuộc sống muôn màu này có rất nhiều điều cần con người phải hy sinh và tình yêu là một trong những mảng lớn của bảng màu ấy, trong tình yêu có tình dục, tình dục là khỏi điểm cho mọi bi kịch nhưng cũng là chìa khóa phá bỏ những dồn nén, phẫn uất của con người để có một cái kết đẹp.
Những cuộc làm tình trong tác phẩm không có gì là dung tục, mà nếu có thì người đọc đang ở độ tuổi không thích hợp, hay những người không hiểu về văn hóa tình dục, đó chỉ là những cảm xúc sinh lý bình thường cuả con người mà ai rồi cũng sẽ trải qua, và đó là cũng một điểm nhấn độc đáo, làm nên giá trị của Rừng Nauy.
Năm 2010 bộ phim chuyển thể cùng tên của đạo diễn Trần Anh Hùng đã công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Venezia và đem về nhiều phản ứng tích cực từ người xem. Một mình xem và ngẫm lại tôi cảm nhận được cái gọi là tình yêu trong mỗi con người, cách sống và nhìn nhận cuộc sống cũng góp phần thay đổi con người bạn.
Hạnh phúc là những điều đơn giản quanh mình nhưng nếu không trân trọng thì cả đời chúng ta chỉ mãi quanh quẩn tìm kiếm. Hãy đọc và cảm nhận Rừng Nauy theo cách riêng của bạn nhé!