[Review phim] Điều ba mẹ không kể | Lee Chang Geun

Không phải là họ không kể, chỉ là bạn không để tâm cảm nhận mà thôi!

Đây có lẽ là một bộ phim tình cảm gia đình khiến tôi phải suy nghĩ thật nhiều. Suy nghĩ từ lý do vì sao cách thức họ sống so với mục đích ban đầu lại khác đến vậy? Vì sao lại có thể vô tâm đến vậy? Vì sao lại buồn đến vậy?…

Bộ phim đầu tay của đạo diễn Lee Chang GeunĐiều ba mẹ không kể, nói về cuộc sống rất thường nhật của một gia đình 3 thế hệ sống cùng nhau. Hình ảnh một ông chồng gia trưởng tên là Nam Bong, được diễn viên cội nguồn Lee Soon Jae khắc họa rõ nét qua từng hành động, ánh mắt miệt thị người vợ của mình – bà Jung Young Sook trong vai Mae Ja. Bà có lẽ được xem là mẫu phụ nữ điển hình của hầu hết các gia đình ở Hàn Quốc, một bà nội trợ đặt hết tâm tình vào chồng, vào con.

Một người con trai mang danh là thạc sĩ nhưng vô công rỗi nghề, một người con dâu chỉ biết cặm cụi kiếm tiền thay cho người chồng đáng lẽ ra phải là “trụ cột gia đình” để nuôi nấng đứa con gái bé bỏng.

Một nhà 3 thế hệ sống qua ngày với những bữa cơm “nhạt nhẽo” khi cuộc trò chuyện chỉ là những câu chửi bới của ông Nam Bong, khi cuộc gặp gỡ giữa những thành viên trong gia đình có thể chỉ được xem là “những cuộc vô tình chạm mặt ngắn ngủi”. Điều tồn tại đúng nghĩa duy nhất chắc chỉ là những giây phút cười nói vui vẻ của 2 bà cháu với nhau.

Cõ lẽ cuộc sống đó cứ thế trôi qua từng ngày nếu như bà Mae Ja không mắc phải chứng mất trí nhớ ở tuổi già. Hàng loạt các diễn biến sau khi cả gia đình phát hiện căn bệnh này của bà sẽ đưa bạn đến những cung bậc cảm xúc khác nhau. Có lẽ bạn sẽ không ngạc nhiên vì hành động của ông Nam Bong đối với vợ mình, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên cùng tức giận cho hành động của đứa con trai mà trước giờ đối xử được xem là hiếu thảo đối với mẹ mình.

“Hai người không phải tốt hơn một người sao” – đây là câu nói của ông Nam Bong khi phát hiện mình mắc phải căn bệnh giống vợ. Từ đây, chính là lúc khán giả sẽ trải mình rõ nhất cùng với nỗi đau của nhân vật. Cũng là căn nhà đó nhưng bị lãng quên bởi gia đình người con trai vì sợ phiền phức mà dọn về nhà vợ sống, chỉ có hai vợ chồng già sống cùng những ký ức lúc còn lúc mất.

Nhờ vào kinh nghiệm diễn xuất lâu năm, diễn viên Lee Soon Jae và Jung Young Sook đã bộc lộ rõ nhất tâm lý của cặp vợ chồng khi thì như trẻ con lúc mất trí nhớ, khi thì sâu lắng những lúc tỉnh táo qua từng cử chỉ nhỏ, những ánh nhìn đầy chân thật.

Cũng trong khoảng thời gian này, khán giả có thể nhẹ nhàng mỉm cười, rồi rơi lệ vì lối diễn xuất cực kỳ chân thật của cặp vợ chồng già. Có thể nói nó không phải là những hành động đầy lãng mạn thường thấy ở những bộ phim Hàn Quốc khác, nó cũng không phải là những câu nói đầy sến súa của những cặp đôi yêu nhau. Nó là những gì bình dị nhất, chân thật nhất mà đạo diễn muốn khán giả cũng có thể cảm nhận qua cuộc sống thường ngày của mình.

Từ hình ảnh đùa giỡn với những trò chơi con nít, khoảnh khắc phơi đồ cùng nhau, ăn uống đạm bạc,…đều chứa chan một sự nghẹn ngào cho những ai đang xem. Diễn biến của bộ phim sẽ không bắt bạn phải suy nghĩ tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì, sẽ không quá khó cho bạn để hình dung ra hình ảnh, thông điệp mà đạo diễn muốn gửi gắm. Nhưng nó lại khiến bạn phải ngẫm về thực tiễn.

Nếu là một người trẻ, nó có thể khiến bạn suy nghĩ ba mẹ bạn liệu có thực sự hạnh phúc không? Hay nếu bạn là một người đã có gia đình thì bạn đã đối xử với nửa kia như thế nào?

Khi tâm lý nhân vật của đôi vợ chồng già được chú trọng đào sâu bao nhiêu thì của cậu con trai lại không để lại mấy dấu ấn trong tôi. Từ đầu cho đến cuối phim, “khó hiểu – xem thường – tức giận” là tất cả những gì tôi có thể dành cho người con trai ấy.

Khi nghe tựa đề phim – “Điều ba mẹ không kể”, tôi và chắc là cũng có nhiều người nghĩ đến một mô típ quen thuộc – đứa con sẽ thấy hối lỗi và thay đổi, đối xử tốt hơn với ba mẹ. Nhưng không, ở đây, đạo diễn không mấy khắc họa rõ nét diễn biến tâm lý của người con, dường như hơi khắt khe khi cướp đi cơ hội báo đáp của người con ấy.

Khi mà đã đến hồi kết – một cái kết mở sẽ phù hợp với nhiều người nhưng lại khó chấp nhận đối với những khán giả giàu cảm xúc. Nhưng chung quy lại, đã là một cái kết đẹp với những trải nghiệm mà chỉ sau khi bị mất trí nhớ, cặp vợ chồng già mới tìm lại được.

Nếu bạn hỏi khi xem xong bộ phim này, hình ảnh nào còn đọng lại trong tôi nhiều nhất? Thì thật khó khi dường như tất cả tình tiết đều được tôi dễ dàng ghi nhớ, nhưng có lẽ hình ảnh khiến tôi day dứt nhất chính là “ánh mắt”. “Ánh mắt” khi bà Mae Ja chào tạm biệt người con và chồng khi bị bỏ lại viện dưỡng lão, “ánh mắt” khi ông Nam Bong nhìn chào tạm biệt ông bạn thân của mình để chuẩn bị cho dự định tự tử, “ánh mắt” người con khi về nhà phát hiện không những mẹ mà cả ba đều đang mắc căn bệnh đó,…

Và nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim có nhiều diễn biến cao trào, bộ phim mang lại nhiều tiếng cười thư giãn thì “Điều ba mẹ không kể” không phải là một sự lựa chọn sáng suốt. Nó là một bộ phim tình cảm gia đình mà xuyên suốt 112 phút, sẽ nhẹ nhàng đưa bạn đến với những cái nấc nghẹn ngào, những giọt nước mắt đau thương, những lần mỉm cười cùng sự “đẹp” của tình yêu cuối đời và những sự suy niệm về chính hiện tại và tương lai của bạn và ba mẹ bạn.

Và nếu bạn để ý rằng, không phải là họ không kể, chỉ là bạn không để tâm cảm nhận mà thôi! Tất cả những hành động, những lời nói dù là nhỏ nhất của ba mẹ bạn, bạn đều có thể nhận ra những suy nghĩ, những thay đổi trong họ. Bạn có bao giờ thử hỏi bản thân mình xem, trong 86.000 giây trong 1 ngày bận rộn với quá nhiều thứ có khi chẳng hề quan trọng gì thì bao nhiêu trong số đó, bạn thực sự dành cho họ?

Review phim Điều ba mẹ không kể

allaboutmiracle.com