Đắc nhân tâm – Dale Carnegie

Đắc nhân tâm của Dale Carnegie – top những quyến sách bán chạy nhất thế giới, một cuốn sách thật sự đem lại những giá trị tuyệt vời cho người đọc, bao gồm những lời khuyên cực kì bổ ích về cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày.

Đắc nhân tâm, nghe đến ba từ này bạn sẽ nghĩ đến điều gì đầu tiên? Là được lòng người, là hướng thiện hay là lòng từ tâm của con người? Mỗi người sẽ có một nhận định riêng cho mình khi nghe về nó, còn với tôi Đắc nhân tâm chỉ đơn giản là tâm của một con người.

Đây là một quyển sách hay nhằm tự giúp nhận ra bản thân, đối diện và thu phục người khác bằng hành động khôn ngoan của mình. Quyển sách này do Dale Carnegie viết và đã được xuất bản lần đầu vào năm 1936, nó đã được bán 15 triệu bản trên khắp thế giới, và cũng là quyển sách bán chạy nhất của New York Times trong 10 năm.

Trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam đã tồn tại bản dịch tác phẩm này của học giả Nguyễn Hiến Lê với tựa đề Đắc nhân tâm, in lần đầu tiên tại Sài Gòn năm 1951 (nhà xuất bản Phạm Văn Tươi) và được chỉnh sửa cũng như tái bản rất nhiều lần.

Đây là một trong những quyển sách đầu giường của tôi, tôi tìm thấy nó khi tôi 17 tuổi. Lúc ấy là ngưỡng của của đại học nhưng tôi quyết định chọn đại một nghề để nuôi thân bởi tôi học không được giỏi hay nói đúng hơn chỉ là trung bình nên kiếm một nghề là thích hợp nhất với tôi.

Lúc đó, bố mẹ tôi đã nổi trận lôi đình và bắt buộc phải đi thi dù là học cao đẳng cũng được nếu không thì phải ra khỏi nhà, cuộc chiến tranh gia đình đang lên đến cao trào thì ông tôi xuất hiện, ông nói chuyện riêng với bố mẹ tôi chỉ khoản 30 phút và sau đó bố tôi với vẻ mặt bình thản hơn bước ra và nói: “chỉ một năm thôi.

Con chỉ cần học một năm ở môi trường mới thôi nếu sau đó con cảm thấy mình không thích hợp ở giảng đường thì con có thể tùy ý quyết định tương lai, bố mẹ sẽ không cấm cản nữa.” Tôi nhìn ông với ánh mắt nghi hoặc không biết ông đã nói gì mà bố mẹ lại đưa ra quyết định như vậy. Nhưng đối với tôi thì điều kiện đó cũng không tệ, một năm trôi qua nhanh mà.

Tôi may mắn trúng tuyển vào một trường cao đẳng, khi rời nhà đi học tôi có hỏi lại ông đã nó gì với bố mẹ nhưng ông chỉ cười rồi đưa cho tôi quyển sách với ba từ Đắc nhân tâm và bảo con hãy đọc thật kỹ nó rồi con sẽ hiểu thôi.

Tôi nhận sách và không mấy ấn tượng với bìa sách nhưng tôi tò mò rằng quyển sách có chứa đựng điều gì mà chỉ trong thời gian ngắn bố mẹ đã được ông tôi thuyết phục. Và rồi tôi đã “nhâm nhi”  từng trang sách của Dale Carnegie  trong căn trọ nhỏ giữa Sài Gòn rộng lớn.

Một ngày mưa tầm tả là lúc tôi đóng lại cuốn sách Đắc nhân tâm. Tôi cảm nhận được rằng trước giờ mình đã sai quá nhiều, đã bỏ qua quá nhiều điều tốt đẹp mà mọi người xung quanh đã giành cho mình, nhưng không là quá trễ với cô gái 18 tuổi, độ tuổi bắt đầu rời xa gia đình và tự lập, tôi sẽ sống hết mình và sống đẹp như Đắc nhân tâm.

Với góc nhìn độc đáo, mới mẻ và luôn đặt chính mình vào trong tình huống giao tiếp Dale Carnegie đã viết ra một quyển sách vô cùng ý nghĩa mà bất kỳ ai cũng nên đọc nó ít nhất một lần. Thông qua những câu chuyện của cuộc sống, đưa ra lý lẽ, dẫn chứng, được và mất từ cách ứng xử, giao tiếp hằng ngày, tác giả đã rút ra kinh nghiệm dưới cái nhìn thực tế nhưng cũng không kém phần sâu sắc.

Khi giao tiếp trở thành nghệ thuật thì tất nhiên chúng ta phải học, đừng nói với tôi rằng đây là sách dạy đời nên bạn sẽ không đọc vì bạn biết những lời lẽ bên trong sẽ cứng nhắc, khuôn khổ, chỉ có thể là trong sách chứ ngoài đời sẽ không thực hiện được.

Nhưng tôi khẳng định rằng nếu bạn thực sự tập trung, dùng tấm lòng để đọc, dùng trái tim để cảm nhận thì khi đọc xong bạn sẽ hiểu những gì mà tác giả chia sẽ và có thể bạ sẽ  không thể làm được mười như trong sách nhưng ít ra nó cũng giúp bạn bình tĩnh phân tích các tình huống giao tiếp và bạn sẽ làm ít nhất được năm.

Đối với Đắc nhân tâm tôi xin khẳng định rằng đó là một quyển sách với nội dung sâu sắc, mỗi chủ đề là một bài học, mỗi câu chuyện đều là thực tế của hiện tại, nó tinh tế, tỉ mỉ, dễ hiểu và để lại  ấn tượng  trong lòng người đọc. Ví như câu chuyện về cậu bé Edward Bok, đây là câu chuyện mà tôi thật tâm đắc trong quyển sách này. Tôi xin tóm tắt câu chuyện ngắn gọn như sau:

Edward Bok là một cậu bé người Hà Lan nhập cư. Mỗi ngày sau giờ học, cậu phải đi lau cửa sổ thuê cho một cửa hiệu bán bánh, đến những bến đỗ của các xe thang thường bốc dở hàng nhặt nhanh những mẫu thang rơi rớt để giúp đỡ gia đình. Cậu chỉ có 6 năm cấp sách đến trường nhưng khi lớn lên lại trở thành một trong những nhà xuất bản báo chí thành công nhất trong lịch sử báo chí Châu Mỹ.

Chắc chắn bạn sẽ thắc mắc cậu đã làm điều đó như thế nào ? Tôi xin kể tiếp “Rời khỏi trường học khi mới 13 tuổi, làm người giúp việc văn phòng cho Western Union nhưng chưa bao giờ cậu từ bỏ quyết tâm hoàn thiện bản thân.  Cậu bắt đầu tự học một mình.

Cậu tiết kiệm tiền vé xe và nhịn ăn trưa cho đến khi có đủ tiền mua một quyển Bách Khoa tiểu sử Danh Nhân Mỹ. Cậu viết thư cho những Danh Nhân này và hỏi thêm thông tin về tuổi trẻ của họ. Đồng thời cậu cũng viết thư cho Tướng James Garfield, người mà lúc bấy giờ đang vận động tranh cử Tổng Thống và hỏi có phải hồi còn nhỏ, ông đã từng làm nghề dắt thuyền trên một con kênh hay không? Garfield đã phúc đáp lá thư của cậu.

Cậu cũng viết thư cho Tướng Grant để hỏi về một trận đánh. Grant đã đưa cả bản đồ cho cậu xem rồi còn mời cậu bé 14 tuổi này đi ăn trưa, ngồi nói chuyện suốt cả buổi chiều. Chẳng bao lâu sau, cậu bé chạy dịch vặt của Western Union, đã thư từ qua lại với nhiều nhân vật nổi tiếng nhất của đất nước : Louisa May Alcott, Phu nhân Abraham Lincoln, Tướng Sherman,…

Mỗi khi có được kỳ nghĩ, cậu lại đi thăm họ. Bao giờ cậu cũng được tiếp đãi nồng hậu. Những nhân vật vĩ đại này đã truyền cho cậu một niềm tin vô giá, một quan điểm mới về cuộc sống và một khát vọng tự xây dựng đời mình.

Isaac Marcosson, một nhà báo đã phỏng vấn hàng trăm nhân vật lừng danh đã nhận xét rằng: “Nhiều người không tạo được ấn tượng thuận lợi ban đầu bởi vì họ không biết lắng nghe. Họ quá quan tâm tới điều họ sắp nói đến nổi không để tai lắng nghe người đối diện. Nhiều nhân vật kiệt xuất đã bảo tôi rằng: họ thích người giỏi nghe hơn là người giỏi nói.””

Qua câu chuyện này có thể thấy sự quyết tâm và lòng can đảm dám đối diện
với thử thách thì mới có được thành công. Nếu là bạn, bạn có dám viết thư cho
chủ tịch nước không hay đơn giản chỉ là một bức thư gửi cho người mà bạn ngưỡng
mộ nhất?. Khi có thể vượt qua những giới hạn của bản thân thì bạn sẽ tìm thấy
thành công.

Trong Đắc nhân tâm,Dale Carnegie  đã đưa ra 30 nguyên tắc thu phục lòng người mà ông đã tích lũy. Chỉ 30 nguyên tắc cho một đời người thì bạn không nên bỏ qua:

Nguyên tắc 1 : Không chỉ trích oán thán than phiền
Nguyên tắc 2 : Thành thật khen ngợi, cảm kích người khác
Nguyên tắc 3 : Khơi gợi người khác ý muốn điều bạn đề nghị họ làm
Nguyên tắc 4 : Chân thành quan tâm đến người khác
Nguyên tắc 5 : Mỉm cười
Nguyên tắc 6 : Luôn nhớ rằng tên một người là âm thanh êm đềm, ngọt ngào và quan trọng nhất với họ
Nguyên tắc 7 : Lắng nghe người khác khuyến khích người khác nói về họ
Nguyên tắc 8 : Nói về điều mà người khác quan tâm
Nguyên tắc 9 : Thành thật cho người khác thấy sự quan trọng họ
Nguyên tắc 10 : Cách giải quyết tranh cãi tốt nhất là đừng để nó xảy ra
Nguyên tắc 11 : Tôn trọng ý kiến của người khác đừng bao giờ nói anh/ chị sai rồi
Nguyên tắc 12 : Nếu bạn sai nhanh chóng thẳng thắn thừa nhận lỗi lầm
Nguyên tắc 13 : Luôn bắt đầu bằng thái độ thân thiện
Nguyên tắc 14 : Hỏi những câu khiến người khác vâng có ngay lập tức
Nguyên tắc 15 : Tạo điều kiện để người khác được nói thỏa thích
Nguyên tắc 16 : Làm người khác tin rằng chính họ là người đưa ra ý tưởng đầu tiên
Nguyên tắc 17 : Thành thật nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của người khác
Nguyên tắc 18 : Đồng cảm với mong muốn chia sẻ của người khác
Nguyên tắc 19 : Khơi gợi sự cao thượng của người khác
Nguyên tắc 20 : Làm sinh động ý tưởng
Nguyên tắc 21 : Thách khơi gợi sự thử thách ở người khác
Nguyên tắc 22 : Bắt đầu bằng những lời khen tặng thành thật
Nguyên tắc 23 : Góp ý sai lầm của người khác một cách gián tiếp
Nguyên tắc 24 : Xem xét nhìn nhận bản thân trước khi góp ý cho người khác
Nguyên tắc 25 : Đặt câu hỏi thay vì đưa ra mệnh lệnh
Nguyên tắc 26 : GIữ thể diện cho người khác
Nguyên tắc 27 : Nhìn nhận sự nỗ lực đóng góp của người khác một cách công bằng cho dù đó là những việc nhỏ nhất .
Nguyên tắc 28 : Khen ngợi để người khác luôn cố gắng phấn đấu xứng đáng với lợi khen đó
Nguyên tắc 29 : Khuyến khích người khác làm cho họ thấy sai lầm không khó để chỉnh sửa
Nguyên tắc 30: Làm cho người khác cảm thấy vui vẻ thực hiện chính đề nghị của bạn

Với 4 phần và 30 nguyên tắc, bạn sẽ có sức thuyết phục mạnh mẽ khi đối diện với người khác và nó sẽ bảo vệ bạn trước những trò bịp bợm của xã hội.

Một tác phẩm tuyệt vời đã làm thay đổi số phận của hàng triệu đọc giả thì Dale Breckenridge Carnegie cũng là một người vô cùng sâu sắc, đã trải qua và chứng kiến nhiều thực tế để viết nên một cuốn sách thuyết phục đến vậy.

Carnegie là một nhà văn, nhà thuyết trình Mỹ và là người phát triển các lớp tự giáo dục, nghệ thuật bán hàng, huấn luyện đoàn thể, nói trước công chúng và các kỹ năng giao tiếp giữa mọi người. Ông cũng là một trong những người đầu tiên đề xuất cái ngày nay được gọi là đảm đương trách nhiệm, dù nó chỉ được đề cập tỉ mỉ trong tác phẩm viết của ông.

Từ cuốn Đắc nhân tâm đã đưa tôi tìm đến những cuốn sách khác của ông như Quẳng gánh lo đi và vui sống, Nghệ  thuật nó trước công chúng, Nghệ thuật xử thế của Dale Carnegie đó đều là những quyển sách hay nên đọc dành cho tất cả mọi người.

Cho đến giờ tôi vẫn không biết ông ngoại đã nói những gì với bố mẹ tôi nhưng tôi chắc chắn đó là nghệ thuật thuyết phục thật tài tình của ông. Tôi đã không ít lần nghiền ngẫm lại cuốn sách, tôi tận dụng nó vào trong cuộc sống với những giao tiếp nhỏ nhặt hằng ngày và nó thực sự rất hiệu quả.

Tôi cũng rút ra những chân lý riêng cho bản thân đó là:

  1. Nói những lời tốt đẹp, nhẹ nhàng, dễ thương như với một người bạn dù đối mặt với bạn là một con người thế nào.
  2. Trải lòng thương yêu của mình ra, mình tiếp cận người mà không mục đích cho người khác thấy được sự chân thành.
  3. Đem lại cho người khác  nhận thức những điều mà họ làm.
  4. Cùng làm việc đồng hành, và đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận sự việc.

Đó là những điều nhỏ nhoi mà tôi đã và đang thực hiện còn bạn thì sao hãy đọc Đắc nhân tâm và tìm cho mình những nguyên tắc ứng xử khéo léo phù hợp với bản thân, với cuộc sống muôn màu này nhé