Chuông nguyện hồn ai, cái tựa đề làm tôi không hề hứng thú khi nhìn thấy quyển sách này, mà điều làm tôi chú ý hơn chính là cái tên Ernest Hemingway. Tôi nhận ra ngay đây là tác giả của Ông già và biển cả mà tôi đã học năm lớp 12. Thật ra cả tác phẩm và tác giả đã đi qua đời tôi cũng sáu năm rồi nhưng cho đến giờ tôi vẫn không quên được vì năm ấy khi trả bài tôi đã viết sai tên của ông và bị con 3 đau đớn, thế là từ đó tôi cứ lẩm bẩm cái tên của ông đến khi nó in vào trong đầu lúc nào không hay.
Ernest Hemingway (1899 – 1961) tên đầy đủ là Ernest Miller Hemingway, là nhà văn, nhà báo người Mỹ. Ông từng tham gia chiến đấu trong Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, sau đó ông được biết đến qua “Thế hệ đã mất”, nhận được giải thưởng báo chí Pulitzer năm 1953 với tiểu thuyết Ông già và biển cả, và giải Nobel văn học năm 1954. Ông để lại ấn tượng sâu sắc đối với bạn đọc qua nguyên lý tảng băng trôi, văn phong của ông được mô tả bởi sự kiệm lời nhưng có nhiều tầng ý nghĩa, phải suy nghĩ thật sâu mới có thể hiểu hết được những gì tác giả gửi gắm. Nhiều tác phẩm của ông hiện nay được coi là những tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ.
Năm 1918, khi chưa tròn 19 tuổi ông bị thương nặng ở chân trong khi đang cõng một người lính Ý trên đường tới địa điểm chỉ huy. Ông được chữa trị tại bệnh viện Milan và được tưởng thưởng huy chương anh dũng. Những trải nghiệm trong cuộc chiến này đã cung cấp cho ông những hiểu biết để viết nên tác phẩm “Giã từ vũ khí” (1929), một tiểu thuyết nổi danh nhất đề cập tới chiến tranh.
Trong thời gian làm phóng viên tại Paris, Ernest Hemingway đã đi khắp châu Âu, phỏng vấn các nhân vật danh tiếng như Lloyd George, Clemenceau và Mussolini… rồi vào năm 1925, cuốn tiểu thuyết quan trọng đầu tiên của Hemingway được xuất bản tại New York với tên là “Trong thời đại của chúng ta” (In Our Time). Cũng vào thời gian này, nhiều thú vui như trượt tuyết, coi đấu bò rừng, đi câu cá và đi săn… đã từng là một phần của cuộc sống của ông và từ đó tạo nên nền móng của các cuốn tiểu thuyết sau này.
Năm 1950, Hemingway xuất bản cuốn sách “Qua sông và vào trong rừng” nhưng không gây dấu ấn với độc giả. Năm 1952, cuốn tiểu thuyết “Ông già và biển cả” đã mang lại ngôi vị cho ông trên văn đàn, giúp ông nhận được giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer năm 1953.
Năm 1954 ông được viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng giải Nobel văn học vì thể văn mạnh mẽ dùng trong nghệ thuật kể chuyện mới lạ và thể hiện gần đây nhất qua tác phẩm “Ông Già và Biển Cả”. Thời gian này người ta vẫn thấy ông đầy sức sống nhưng thực tế ông không hạnh phúc.
Hemingway đã phải dưỡng bệnh dài hạn tại bệnh viện Mayo, ông bị ám ảnh vì cao huyết áp và suy sụp tinh thần. Vào một ngày của tháng 7 năm 1961, ông thức dậy sớm và tự sát bằng một khẩu súng săn tại một nơi vắng vẻ của thị trấn Ketchum, Idaho.
Ông ra đi mà không để lại lời trăn trối nào ngoài hình ảnh của các nhân vật trong nhiều cuốn tiểu thuyết mà ông đã sáng tạo ra. Âu cũng là cái kết ông tự quyết định cho cuộc đời mình ở tuổi 62. Ở Việt Nam các tác phẩm của ông đã được xuất bản như: Ông già và biển cả (2000); Chuông nguyện hồn ai (2001); Giã từ vũ khí (2001); Hạnh phúc ngắn ngủi của Mác Cômbơ (2003); Truyện ngắn – Ernest Hemingway (2004); Truyện cực ngắn của Ernest Hemingway (2004); Hội hè miên man (2004)
Chuông nguyện hồn ai là đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác của Ernest Hemingway. Ông viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha bằng trái tim nhà văn và tấm lòng của người chiến sĩ trong hàng ngũ các Lữ đoàn Quốc tế tình nguyện chiến đấu cho nền Cộng hòa của xứ sở bò tót này.
Nghĩa là ông không chỉ chiến đấu bằng súng mà cả bằng ngòi bút, đúng như lời công kích chủ nghĩa phát xít của ông tại Đại hội lần thứ hai các nhà văn Mỹ – 1937. Chuông nguyện hồn ai lập tức được cả thế giới đón nhận, và đến hôm nay hàng chục triệu bản với hàng chục thứ tiếng đã đến tay bạn đọc.
Với tôi, cái tên Chuông nguyện hồn ai không cuốn hút bằng Ernest Hemingway nhưng vì đó là tác phẩm của ông nên tôi sẵn sàng đọc một cách nghiêm túc. Nhấm nháp tách trà và lật từng trang sách trong một buổi chiều mưa Đà Lạt, trông tôi cứ như một bà lão 70 đang suy ngẫm sự đời, nhưng đó không phải là đời tôi mà là đời của những con người Tây Ban Nha trong các cuộc chiến tranh đẫm máu.
Thế đấy, lịch sử chiến tranh luôn là đề tài không bao giờ ngủ yên đối với các nước trên thế giới và Tây Ban Nha cũng vậy, họ cũng đã từng chiến đấu, từng đau khổ, từng hy sinh rất nhiều để giữ được hòa bình trên quê hương của mình.
Theo tôi nếu bạn thư thả đọc và cảm nhận thì mới thấy được cái ẩn ý mà tác giả muốn đưa ra còn nếu bạn đọc theo kiểu chỉ muốn thấy lời hay ý đẹp thì xin nói rằng quyển sách này không phù hợp với bạn bởi vì ngay từ đầu cuốn sách làm cho người đọc thấy khó hiểu, có một chút gì đó cứng nhắc và dài dòng nhưng nếu ngồi nghiền ngẫm một lúc thì nó lại rất hay theo kiểu gây cấn lôi cuốn sẽ làm bạn càng muốn đọc nhanh những trang tiếp theo.
Được xuất bản năm 1940, Chuông nguyện hồn ai là tiểu thuyết kể về bốn ngày của Robert Jordan, một chiến sĩ trẻ người Mỹ, được lệnh phối hợp với một nhóm du kích đặt mìn phá hủy một cây cầu để chặn viện binh và đường rút chạy của quân địch trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Được sự giúp đỡ của nhóm du kích cộng hòa đã thông thạo địa hình vùng núi, anh cùng họ điều tra địa hình, xây dựng lực lượng và lập kế hoạch tác chiến.
Nhưng khi nhìn vào tình hình hiện tại Robert Jordan nhận thấy bọn phát xít đã đánh hơi được kế hoạch của cuộc tấn công và đang ráo riết tập trung quân bố trí phản kích. Anh cử ngay Andres mang báo cáo về Ban chỉ huy Sư đoàn đóng ở Navacerrada đề nghị thay đổi kế hoạch tác chiến và cho ngừng ngay việc phá hủy cầu.
Thế nhưng thật không may, do nhiều trắc trở và tính quan liêu của nhiều sĩ quan, lẽ ra đoạn đường chỉ cần đi trong ba giờ, Andres phải mất cả một ngày. Khi bức thư của Robert Jordan đến tay Gôndơ thì đã quá muộn, những chiếc máy bay ném bom đầu tiên mở màn cho trận đánh đã bay vút trên bầu trời.
Robert Jordan đành cho nổ mìn phá cây cầu theo kế hoạch đã định và dẫn đội du kích rút lui. Dọc đường, bom đạn quân thù khiến anh bị gãy chân, vết thương quá nặng, anh quyết định từ giã đồng đội và người yêu, ở lại ngọn đồi bên cạnh chiếc cầu bị phá nhằm chiến đấu cầm chân địch cho đội du kích rút lui an toàn.
Có thể thấy hình ảnh của Robert Jordan là hình ảnh của một anh hùng quên mình vì nước nhưng đổi lại “Chàng nghe tim mình đập sát trên mặt đất của khu rừng phủ đầy xác lá thông” hình ảnh cuối của anh khiến người đọc xao xuyến và đầy tiếc nuối cho một người hùng.
Và có lẽ người đau nhất là Maria – người con gái mà Robert Jordan đã có cảm tình ngay từ lần gặp đầu tiên, những hình ảnh thật đẹp của họ khi bên nhau trên thảm cỏ xanh, trong chiếc túi ngủ giữa đêm tuyết trắng hay khoảnh khắc Robert Jordan nhìn chiếc kim đồng hồ chuyển động để cảm nhận niềm hạnh phúc quý giá không kéo dài, vậy mới thấy được thời gian của họ được tính bằng khắc, trân trọng nhau đến từng giây để không phải hối tiếc.
Thật xót xa thay một mối tình sâu nặng nhanh chóng bắt đầu nhưng cũng lại nhanh chóng kết thúc. “Maria vừa kêu lên vừa quay đầu lại – Cho em ở lại! Cho em ở lại!
– Anh ở bên em – Robert Jordan kêu to – Bây giờ thì anh ở bên
em. Cả hai chúng ta đang đi đó. Đi đi! “
Một khung cảnh đau
buồn mà tôi cũng không nói nên lời của cặp đôi này, tình yêu không có lỗi, lỗi
tại hoàn cảnh đưa đẩy khiến họ phân ly nhưng họ vẫn luôn cảm nhận hình ảnh đối
phương trong tim mình. Tôi nhận thấy rằng tình yêu trong chiến tranh là tình
yêu liều lĩnh nhất nhưng cũng là tình yêu đẹp nhất bởi vì họ sẵn sàng hy sinh
cho nhau, chờ đợi nhau bằng cả tấm lòng và luôn mong cho người mình yêu hạnh
phúc.
Hemingway cũng từng tham gia Chiến tranh Thế giới thứ nhất và bị thương quay trở về, nên ông mang theo nhiều nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần nên văn phong của ông trong Chuông nguyện hồn ai mang đầy chất trữ tình nhưng lời lẽ vẫn sắc bén, phơi bày sự thật trần trụi của các tầng lớp người lính.
Có người hùng dũng không tiếc thân mình để bảo vệ đất nước nhưng có người lại sợ hèn nhát chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, có người mưu trí nhưng cũng có người ngu ngốc và tự cho là thông minh, thế mới có những sự việc đáng tiếc xảy ra và câu không sợ kẻ địch mạnh chỉ sợ đồng đội ngu là không hề sai.
Ở thế hệ của chúng ta, các bạn trẻ lớn lên trong hòa bình nên chỉ được nghe về chiến tranh anh dũng và mất mát, sẽ không thể nào hiểu được cuộc sống và con người lúc còn chiến tranh, hay có đi nữa thì cũng là sự đồng cảm có giới hạn khi mà lịch sử chiến tranh được giản lược, nhằm ủng hộ cho chế độ chính trị, thay vì để giải thích tại sao con người lại hành động như vậy. Ở Việt Nam cũng vậy, môn lịch sử là niềm tự hào của cả dân tộc ấy vậy mà học sinh bây giờ xem nó như một gánh nặng thật khó vượt qua, đó là một điều đáng buồn cho thế hệ trẻ của đất nước.
Chuông nguyện hồn ai là một trong số những tác phẩm chân thực về chiến tranh, về Robert Jordan chàng trai dũng cảm không chỉ thực hiện nhiệm vụ để chiến thắng, mà còn để kiếm tìm ý nghĩa cuộc đời mình. Chiến tranh cũng là một điều kiện đầy thử thách, nơi mà bạo lực chiếm hữu và ý chí của con người cũng được đẩy lên cao độ, máy bay lượn trên đầu, giữa khói lửa, giữa những xác chết tơi tả.
Những câu nói của các nhân vật trong truyện khiến người ta phải suy nghĩ nhiều khi mỗi hành động trong truyện đều mang tính triết lý. “Những đoạn độc thoại nội tâm của các nhân vật và những dòng trữ tình ngoại đề của cuốn sách khiến cho cốt truyện Chuông nguyện hồn ai tưởng như đơn giản lại trở nên sinh động, phong phú trong các tình tiết, nhuần nhuyễn và linh hoạt trong kết cấu, cuốn hút hàng triệu đọc giả trên thế giới khi tiếp cận tác phẩm.”
Thật không hổ danh
là nhà văn lừng danh nước Mỹ, Ernest Hemingway đã hết sức tinh tế để khắc họa
hình ảnh chân thật. Là nét đẹp trong sáng, mộng mơ của cô gái Maria, là người
hay đi đó đây như Jordan, là mụ đàn bà ít học như Pilar, là ông cụ già nhiệt
tình như Anselmo, hay là anh chàng láu
cá như Rafael thì họ vẫn tương tác hài hòa của những con người xa lạ, vẫn sát
cánh đồng hành cùng nhau dù là trong hoàn cảnh khắc nghiệt thì vẫn xem cái chết
là hiển nhiên để sống thật ý nghĩa cho thời gian còn lại.
Đây là một tiểu thuyết phản ánh chân thật về cuộc chiến tranh, nó tàn khốc và cũng đầy yêu thương, nó anh dũng nhưng cũng không ít lúc yếu đuối. Nó cho bạn của hôm qua, tôi của hôm nay và con người mai sau có thể thấy rõ được những góc khuất của chiến tranh để rồi từ đó mỗi người sẽ nhận ra bản thân mình đang sống ở hiện tại như thế nào, có trân quý thời gian, có yêu thương những người xung quanh, có thôi ngưng đố kỵ để thay vào đó là hoàn thiện bản thân và sống tốt hơn từng ngày. Mỗi tác phẩm văn học ra đời đều ẩn chứa một thông điệp của cuộc sống, bạn hãy đọc và rút ra thông điệp cho riêng mình qua Chuông nguyện hồn ai.
Review sách Chuông nguyện hồn ai
Download ebook Chuông nguyện hồn ai PDF tại đây