Tiếng chim hót trong bụi mận gai – Colleen McCulough

Người đời bảo rằng, đồ cổ quý báu, rượu cũ càng ngon, kỷ niệm cũ nhớ lâu và sách cổ thường là tuyệt phẩm. Đó là lý do tại sao ra mắt hơn 40 năm mà “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” vẫn làm siêu lòng hàng vạn độc giả hiện đại. Được ví như một áng văn bất tử theo thời gian, cuốn tiểu thuyết cổ điển này tạo ra những giá trị văn học sâu sắc về gia đình, về tình yêu, về một xã hội đầy định kiến, và về cả những cuộc chiến tranh khắc nghiệt.

Đâu đó chúng ta nhìn thấy bản thân mình trong từng nhân vật và thấu được sự đồng cảm với họ. Nếu bạn có một trái tim mong manh dễ vỡ, thì tôi khuyên bạn đừng nên đọc “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Bởi đây là một cuốn sách hay và đầy gai góc của thực tế, pha lẫn chút giằng xé nội tâm của thứ tình yêu đầy bất lực.

Mượn hình ảnh của chú chim chỉ hót một lần trong đời, tác giả đã kể nên câu chuyện tình yêu vừa ngọt ngào lại lắm bi thương.

 “Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên Thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại… Ít ra là truyền thuyết nói như vậy.”

Colleen McCullough đã dùng hình ảnh ẩn dụ này viết nên cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình làm rúng động cả diễn đàn văn học. Tác phẩm lấy bối cảnh Úc và New Zealand vào những năm 80, kể về lịch sử gia đình nhiều thế hệ Cleary xen lẫn những cuộc chiến tranh nổ ra. Giữa mạch truyện tự sự đầy biến cố gia đình, nổi bật lên đó là mối tình đẹp nghiệt ngã của Meggie và vị cha xứ Ralph.

Sống với cái thời tiết khắc nghiệt của New Zealand cùng với công việc tay chân lắm mồ hôi, theo lời mời của Mary Carson, gia đình Meggie đã di chuyển đến Úc để thừa hưởng trang trại của bà già gần đất xa trời. Meggie gặp gỡ và đem lòng mến vị cha xứ Ralph, người đã phát lời thề đoạn tuyệt với những cảm xúc trần tục, một lòng phục vụ Chúa. Thứ tình cảm giành giật từ một ai khác đã khó, nay Meggie còn giành giật với đấng thiêng liêng, với Chúa trời thì lại càng gian nan hơn.

Cũng chính vì thế mà khi nếm được vị ngọt của ái tình, cô nàng như đắm chìm vào đó, dũng cảm mưu cầu tình yêu mặc kệ những định kiến nghiệt ngã của xã hội. Với tình yêu mãnh liệt của Meggie là thế, vị linh mục Ralph này thì sao? Cha đã rất đau khổ, bởi Cha đã phải lòng Meggie khi cô bé còn ngây thơ và non nớt nhất.

Rồi khi gặp lại Meggie trong hình dáng của người đàn bà, Cha đã thốt lên trong đau khổ. Cha yêu Meggie, yêu đến bất lực bởi trên vai Cha là chức trách của nhà thờ, là lời thề không bao giờ kết hôn, sẽ phục vụ Chúa trời cả đời.

“Cha yêu con và giờ Cha có thể cưới con.” — Meggie–

 “Nhưng ta yêu Chúa nhiều hơn.” –Ralph–

Nỗi sợ hãi, tham vọng, vị kỷ của Ralph đã đẩy số phận hai con người ngày càng xa nhau, vô tình tạo nên nỗi thương lòng của Meggie. Thế nhưng, cô vẫn yêu Ralph, cô  chịu thua Chúa trời cho đến khi “mọi sự đã rồi” và cô phải cưới chồng, Luke, người có vài nét hao hao tình cũ. Thậm chí khi cô hạ sinh đứa con gái đầu lòng với Luke, trong cô vẫn hiện lên suy nghĩ “nếu đây là con của cô và Ralph thì sao?”. Dám đứng lên đấu tranh, gạt bỏ cuộc hôn nhân không tình yêu này, cô trở về Drogheda tìm Ralph.

Dù sau này cô vẫn không thắng nổi định mệnh và sự sắp đặt của Chúa trời thì sự dũng cảm trong tình yêu của cô cũng khiến mọi người nể phục. Không phải người con gái nào cũng dám gạt bỏ đi mọi định kiến của thời đại, ánh nhìn của xã hội để tìm đến tìm yêu của mình. Bởi hành động bỏ chồng của cô lúc ấy, vấp phải những khó khăn của xã hội lúc bấy giờ, nhưng tình yêu với Ralph đã giúp cô vượt qua tất cả.

“Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”.

Phải chăng những thứ ngon ngọt nhất là những thứ độc hại nhất? Để được cất tiếng hót một lần trong đời, chú chim đã hót bằng tất cả sức lực của mình cho đến khi lịm đi đâm vào những chiếc gai nhọn nhất. Meggie cũng vậy, để sống trọn vẹn với tuổi trẻ của mình, với tình yêu và ước muốn của cô, cô bằng lòng trả mọi giá. Thế nên cô dám vươn tay lên giành giật người đàn ông của Chúa trời, mưu cầu hạnh phúc riêng cô.

Mãi cho đến sau khi đứa con đáng thương của hai người chết đuối và sự vỡ òa của Ralph sau khi biết sự thật rồi chết lịm đi. Cô mới nhận ra rằng, cô không còn gì nữa, Chúa đã lấy tất cả của cô. Nhưng cô vẫn không hối hận với tuổi xuân của mình, với những chuyện đã xảy ra. Bởi lẽ cô chỉ sống một lần trong đời, và cô không sống cho ai khác, cô sống cho chính cô, cho tình yêu bất diệt của mình.

“Chính ta đã xếp đặt số phận của ta như thế, ta không đổ lỗi cho ai và ta cũng ko hề tiếc nuối về một phút giây nào trong quá khứ…. “.

Đan xen giữa mối tình sóng gió lắm truân chuyên của Meggie và Ralph, chúng ta có thể nhìn thấy được số phận của những người phụ nữ bị định kiến xã hội vây lấp. Ba thế hệ phụ nữ trong một gia đình với ba cách sống, cách yêu khác nhau. Fiona, mẹ của Meggie, vốn sinh ra trong dòng dõi danh gia vọng tộc, nhưng trót lỡ mang thai với người tình đã bị gia đình bắt ép kết hôn với người chăn cừu.

Từ đó, cô chỉ biết quây quẩn với những công việc nhà và sinh con đẻ cái. Cô sống đầy cam chịu, chấp nhận những đắng cay của số phận mà tiếp tục sống. Người phụ nữ này là hiện thân của sự gai góc, kiên cường và mạnh mẽ dù bị số phận vùi dập không thôi. Đối lập với Fiona, là Justine, con gái đầu lòng của Meggie. Nghe lời mẹ dặn, cô thoát ra khỏi những chuẩn mực chung của xã hội và không khuất phục trước cái gọi là số phận.

Sẽ là một thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua người bà già gần đất xa trời, Mary Carson. Khoảnh khắc nhìn Cha Ralph trong bà nổi lên cảm giác xiêu lòng lúc đã già cỗi. Bà có tiền có thế, có địa vị quyền lực, những bà không mua nổi tình yêu của vị Cha xứ này. “Bên trong cái xác già cỗi này tôi vẫn còn trẻ trung lắm! Tôi vẫn ham muốn, vẫn khao khát, vẫn mơ mộng, và tôi vẫn yêu ông!”.

Khoảnh khắc bà thốt lên câu nói này, như một khao khát tuổi già cũng là lời tuyên án tử hình với tình yêu này. Bà có không được Ralph thì bà cũng không cho ai có được Cha. Qua hình ảnh đó, tác giả đã khắc họa lên lên một tình yêu đáng thương của người phụ nữ xế chiều, càng đáng hận hơn là tình yêu vị kỷ của người có quyền có thế.

Hẳn rằng với cương vị của một nữ y tá, tác giả đã có những ánh nhìn sâu sắc hơn với sự đến rồi đi của đời người, càng có sự đồng cảm hơn với số phận người phụ nữ. Mỗi người với một nỗi đau riêng, Chúa trời không cho ai chịu chung nỗi đau của ai. Thế nhưng, cái định kiến của xã hội ấy đã giết chết từng người phụ nữ.

Chúng ta thấy đâu đó hình ảnh của Xuân Quỳnh, Hồ Xuân Hương, những nữ thi sĩ chịu nhiều đắng cay trong tình trường qua câu chuyện này. Hoặc chăng không phải một ai khác, lấp ló hình ảnh chúng ta trong đời sống nhân vật này hay nhân vật kia. Đây là điều kỳ diệu của “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” khi Colleen McCullough đã khắc họa sống động và trọn vẹn cá tính nhân vật qua từng biến cố cuộc đời.

Khép lại trang sách, chợt chúng ta nhận ra rằng cuộc sống này lấp đầy những biến cố, dựng nên từ những mâu thuẫn. Đưa đẩy mỗi người vào trong mỗi “thế” khác nhau, ép buộc chúng ta phải đưa ra mỗi lựa chọn. Dù muốn dù không, cuộc sống này vẫn tiếp tục và chúng ta vẫn đối mặt với mọi quyết định của mình.

Hãy sống, sống dũng cảm như Meggie, kiên cường như Fiona, và dứt khoát như Justine. Bởi không ai được sống hai lần, không cơ hội nào gõ cửa lần hai, và không tình yêu nào đẹp như lần đầu mới yêu.

Ngay cả Meggie còn dám giành giật tình yêu Chúa thì chúng ta ngại gì không thử tìm kiếm cơ hội của mình ngoài kia? Nào có đấng thiêng liêng nào mỉm cười với những ai cam chịu, họ chỉ mỉm cười với những ai dám đấu tranh. Nếu bạn không dám một lần đứng lên, liệu bạn có hy vọng nào chờ đợi với những gì tốt đẹp nhất sẽ đến?