Thiên nga là một loài chim tuyệt đẹp với đặc tính rất chung thủy, chúng thường sống trọn đời bên bạn tình, là hình tượng nổi bật trong dân gian, thần thoại và nghệ thuật. Cả thế giới đều tin rằng thiên nga đều có màu trắng, màu của sự thuần khiết và sang trọng.
Khi con người phát hiện ra những chú thiên nga đen ở Úc, thì triết lý cuộc sống có sự thay đổi đáng quan tâm. Đằng sau biểu tượng trong sáng của tình yêu, thiện lành của xã hội thì một “bộ mặt “ khác của thiên nga xuất hiện qua lời lý giải của Nassim Nicholas Taleb mang tên Thiên nga đen.
Nassim Nicholas Taleb là giáo sư ưu tú chuyên về quản trị rủi ro tại Viện Kỹ thuật Bách Khoa, Đại học New York, một trong những nhà kinh tế học, nhà tư tưởng hiện đại có số lượng các tác phẩm đồ sộ. Ông đã viết rất nhiều công trình được đánh giá cao, như cuốn “Fooled by Randomness”. Nhiều bài viết khác của ông đã được đăng trong các tạp chí và tập san nổi tiếng..
“Những con thiên nga đen” của Taleb sẽ đem lại cho bạn cái nhìn mới về thế giới, con người luôn quá tin tưởng vào trực giác của bản thân mà khiến họ mất đi lý trí xác định sự việc để đưa ra các quyết định sai lầm, và đôi khi dẫn đến hiện tượng Thiên nga đen – sự cố được cho là không thể xảy ra nhưng lại hiển nhiên có mặt để xác lập lại hiểu biết của chúng ta về thế giới.
Là một người sống đơn giản, nghĩ sao làm vậy, luôn thiên về tình cảm nhiều hơn khi quyết định một việc dù lớn hay nhỏ, tôi cũng đã mắc nhiều sai lầm đến nhớ đời nhưng đến khi tìm thấy Thiên nga đen, quyển sách đã cho tôi ấn tượng sâu sắc về bản chất thật của cuộc sống, những điều mà ta không ngờ đến, không đoán được lại xảy ra hiên ngang và đôi khi là một cơn chấn động mạnh làm ảnh hưởng lớn đến cả một đất nước.
Có nhiều bạn nói rằng họ chẳng hiểu gì khi đọc cuốn sách này, nó cứ mong lung, khó hiểu.
Thiên nga thì chỉ là thiên nga, màu gì thì tùy vào đặc tính của nó chứ đen hay
trắng thì có liên quan gì đến triết lý của cuộc sống, sao phải làm cho nó phức
tạp lên để rồi ngồi suy nghĩ, giải quyết, có khi còn bị stress. Tôi cũng vậy,
thoạt đầu tôi cũng phải nghiền ngẫm, chậm rãi suy nghĩ để có thể hiểu được
thông điệp mà tác giả muốn truyền tải cho bạn đọc.
Theo những gì ghi nhận được từ quyển sách này tôi sẽ làm rõ một số vấn đề về Thiên nga đen một cách đơn giản nhất cho các bạn dễ hình dung:
Chúng ta thường có suy luận sai lầm ngay cả khi vấn đề đó mang tính logic
Ví như tôi là Đảng viên, tôi phải nghiêm túc chấp hành pháp luật, vậy tôi không phải là đảng viên thì tôi không phải chấp hành? Hay nếu tôi đi học thêm thì tôi sẽ giỏi vậy nếu tôi không đi học thêm thì tôi sẽ không giỏi?
Đây đơn giản là nhận thức của con người thường được hình thành từ quá khứ, đi theo khuôn khổ từ xưa và tin rằng đó là nền tảng cho tương lai, điều này rất dễ khiến ta dễ mắc phải sai lầm, vì trong quá khứ có nhiều yếu tố chưa được tiết lộ nhưng những yếu tố đó sẽ quyết định mang tính lịch sử trong tương lai.
Niềm tin không có nghĩa là sẽ làm được mà đôi khi nó sẽ gây nên những hậu quả không lường
Tôi tin là tôi sẽ nghiên cứu được đường đi trên không. Không ai có thể dập tắt ý
tưởng của bạn nhưng nếu cứ mải mê với niềm tin “viễn tưởng” thì bạn sẽ đưa mình
vào con đường không lối thoát.
Ngoài
việc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những thiếu sót khi đưa ra các dự đoán, tầm
nhìn, Taleb còn đưa ra những lời khuyên để chúng ta có thể nhận ra khi nào thì
sự phán xét của bản thân bị che khuất bởi kì vọng.
Thiên nga đen là những việc được cho là không thể xảy ra, nhưng bằng cách tài tình nào đó lại xảy ra
Con người vốn có khả năng đặc biệt trong việc kết hợp và chuyển tất cả các thông
tin rời rạc nhận được từ môi trường sống thành các thông tin có ý nghĩa và liên
quan tới nhau. Có những việc họ không bao giờ nghĩ có thể xảy ra thì trong một
lúc nào đó của cuộc sống nó đã xảy ra mà chính họ cũng không tin được rằng mình
có thể làm được.
Câu chuyện có thật về một người mẹ đã chạy 100km/h để đón đứa con rơi từ trên lầu xuống, điều mà một vận động viên chuyên nghiệp cũng không thể làm được, đó là Thiên nga đen. Ở những trường hợp đặc biệt mà chính bản thân cũng không nhận ra được đó là mình.
Hiện tượng Thiên nga đen có thể có những hậu quả đáng tiếc cho những ai không nhận thức được chúng
Nhìn lại bóng đá Việt Nam khoản 10 năm về trước những cái tên vang bóng như Huỳnh Đức, Hồng Sơn cũng không thể che được chàng tiền vệ Văn Quyến. Trong màu áo Đội tuyển Quốc gia, “thần đồng” xứ Nghệ ghi bàn thắng để đời vào ngày 19/10/2003 giúp tuyển Việt Nam đánh bại Hàn Quốc 1-0 tại vòng loại Asian Cup 2004.
Đến SEA Games 22 trên sân nhà, Văn Quyến chinh phục trái tim hàng triệu người hâm bóng đá nước nhà khi thi đấu cực kỳ xuất sắc, liên tục ghi được những bàn thắng đẹp mắt vào lưới Thái Lan, Malaysia giúp U23 Việt Nam vào đến chung kết, sau đó đoạt HCB. Những năm 2003, 2004 Văn Quyến là cầu thủ được nhắc đến nhiều nhất của bóng đá Việt Nam. Đến SEA Games năm 2005, anh được kỳ vọng giúp đội U23 Việt Nam lên ngôi.
Tuy nhiên, một phút giây thiếu suy nghĩ khi tham gia bán độ trong trận đấu với U23 Myanmar đã khiến Quyến tự đào huyệt chôn vùi sự nghiệp của mình. Hiện tượng thiên nga đen được thể hiện rõ ở chàng cầu thủ này vì một phút yếu lòng mà chôn đi cả năng lực và sự nghiệp khi đang ở đỉnh cao.
Ảnh hưởng của Thiên nga đen hoàn toàn khác nhau đối với mỗi người
Một số người sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hiện
tượng này, nhiều người lại hầu như không bị tác động gì. Sức ảnh hưởng của nó tới đâu được xác định
chủ yếu bằng lượng thông tin liên quan bạn tiếp cận được: bạn càng có nhiều
thông tin, xác suất bạn gặp Thiên nga đen
càng ít, và nếu bạn càng thiếu hiểu biết, bạn sẽ càng có rủi ro cao.
Nói tiếp về chuyện bán độ của Văn Quyến. Người hâm
mộ đơn nhiên thấy được tài năng và những gì mà anh ta đã làm được từ trước giờ
và sẽ đặt cược cho đội tuyển Việt Nam nhưng đằng sau đó những người mua độ nhận
được nhiều thông tin hơn, biết chắc số bàn thắng mà anh ta sẽ ghi và sẽ đặt
cươc mới mức giá cao ngất và họ sẽ giành về một khoản tiền khổng lồ.
Thiên nga đen có ảnh hưởng khác
nhau đến từng đối tượng và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội. Khi điều này
xảy ra tức là, những Thiên nga đen sẽ
thay đổi cách thế giới vận hành và tác động lên nhiều lĩnh vực của xã hội,
như triết học, thần học và vật lý.
Cách mà não bộ phân loại thông tin làm cho dự đoán của chúng ta cực kỳ khó chính xác
Trong quá trình tiến hóa, bộ não con người phát triển theo cách thức nhất định để
phân loại thông tin. Mặc dù đây là điều tuyệt vời để sống sót trong tự nhiên,
khi chúng ta cần phải học hỏi và thích nghi nhanh chóng với môi trường nguy
hiểm xung quanh, trái lại lại là điều khủng khiếp trong môi trường phức tạp
ngày nay.
Như một cơn bão được dự báo là chuẩn bi ập vào biển miền Trung làm cho bộ não của
chúng ta suy nghĩ, phân tích rằng bão sẽ gây ra những thiệt hại gì hay chỉ đi
ngang qua, nó làm ta trằn trọc và không thể dự đoán chính xác được.
Chúng ta quá tự tin vào những gì chúng ta tin là chúng ta biết
Một nguyên lí của Thiên nga đen cho ta biết đó là con người ta thường tin vào những gì mà mình biết, hiển nhiên đó là một sự thật tâm lý. Sẽ thật ngạc nhiên nếu như bạn tự nói với chính mình rằng “Đừng tin vào những gì tôi biết, bởi lẽ tôi không biết những gì tôi không biết”.
Nhưng sự thật thì đôi khi, tin vào những gì mà chúng ta tưởng như đã biết vô tình lại rất nguy hiểm. Và lời khuyên đừng tin vào chính mình, trong một số hoàn cảnh lại vô cùng hữu ích.
Chắc hẳn bạn không còn xa lạ với câu chuyện dân gian nổi tiếng của người Việt, là Thầy Bói Xem Voi. Chuyện kể về 5 ông thầy bói mù cùng đi xem voi, và mỗi ông nhận định một kiểu khác nhau về con voi. Ông sờ vòi thì phán rằng con voi nó sun sun như con đỉa, ông sờ ngà thì nói rằng nó dài dài cứng cứng như cái đòn càn, ông sờ tai thì nói nó bè bè như cái quạt thóc, ông sờ chân thì nói nó sừng sững như cái cột đình, ông sờ tua thì nói nó sun sun như cái chổi xể cùn.
Cuối cùng, chẳng ông nào chịu tin ông nào, đâm ra cãi lộn rồi xô xát đến sứt đầu mẻ trán.
Ở đây, ông nào cũng chỉ biết những gì mình biết, và đều tin vào những gì mình biết. Đồng thời các ông cũng không ông nào biết những thứ mình không biết, và các ông cũng không ông nào tin vào những thứ mình không biết (người khác biết). Và đồng thời cả năm ông đều không biết sự thật thực sự về con voi (điều mà cả năm ông không biết).
Dĩ nhiên, câu chuyện dân gian này có thể làm cho chúng ta thấy buồn cười về cách hành xử của năm ông thầy bói, thế nhưng trong chính cuộc sống hiện tại, tâm lý con người – đôi khi thậm chí là thường xuyên, hành xử tương tự như thế.
Tiến hành điều tra về những gì bạn không biết sẽ giúp bạn đánh giá rủi ro tốt hơn
Đơn giản nhất là trong việc kinh doanh, điều tra là phần quan trọng trong nghiên cứu thị trường, giúp đo lường xu hướng và thị hiếu của khách hàng tại thị trường nhất định.
Đa dạng về kích thước, thiết kế và mục đích, điều tra thị trường là nguồn dữ liệu vô cùng quan trọng, giúp công ty hay tổ chức xác định sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị trường mục tiêu và cách thức quảng bá của chúng. Nếu bước nghiên cứu thị trường tốt thì rủi ro về sản phẩm khi ra mắt sẽ hạn chế tối thiểu nhất.
Có sự hiểu biết tốt về những hạn chế của con người có thể giúp chúng ta đưa ra những lựa chọn tốt hơn
Có lẽ cách tốt nhất để chống lại việc rơi vào cái bẫy nhận thức chúng ta vừa thấy
ở trên, chính là trang bị sự hiểu biết tốt về các công cụ mà chúng ta sử dụng
để đưa ra dự đoán, và những hạn chế của chúng.
Biết
được những hạn chế của bản thân sẽ giúp ta đưa ra những sự lựa chọn phù hợp,
làm giảm tối đa những quyết định sai lầm cho bản thân.
Mặc dù chúng ta liên tục đưa ra những dự đoán, kế hoạch cho tương lai, chúng ta đặt niềm tin vào kiến thức của mình và đánh giá thấp sự ngu ngốc của bản thân. Phụ thuộc vào phương pháp mà chúng ta cho là có đúng để rồi đưa ra những quyết định sai lầm, và đôi khi dẫn đến hiện tượng “Thiên nga đen” – hiện tượng mà chúng ta cho là không thể xảy ra, nhưng cuối cùng nó đã diễn ra và dẫn đến việc chúng ta phải xác minh lại kiến thức trong thế giới lớn.
Bạn thấy đấy, điều mà Thiên nga đen mang lại hoàn toàn là bản chất khắc nghiệt của cuộc sống. Có thể nói nếu ta nhìn đời bằng con mắt màu hồng thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nhưng thử hỏi lại rằng liệu đời có nhìn ta bằng bầu trời màu hồng không.
Điều mà cuốn sách đem lại không đơn thuần là chỉ ra sai lầm của những nhà phân tích tự lừa dối bản thân mình, quan trọng hơn hết quyển sách muốn đem đến cho độc giả một phương thức nhìn nhận mới về thế giới, động lực khiến con người quan tâm hơn vào những điều có giá trị thực tế trong cuộc sống.
Đây là cuốn sách cần đọc và nghiền ngẫm, không chỉ đọc một lần mà có thể hiểu hết hàm ý bên trong mà bạn phải đọc nhiều và thấm từ từ thì mới có thể hiểu được giá trị của nó. Tôi nhận rằng mình cũng chưa thể hiểu hết hàm ý sâu xa từ quyển sách nhưng từ những gì ghi nhận được tôi đã chia sẽ phần nào cho các bạn để mọi người cùng tìm hiểu thêm về một Thiên nga đen – những điều không thể luôn xảy ra trong cuộc sống quanh ta.