Suối nguồn (The Fountainhea) – Ayn Rand | Allaboutmiracle

Ayn Rand (tên thật Alisa Zinov’yevna Rosenbaum; tiếng Nga: Зиновьевна Розенбаум; 2/2/1905– 6/3/1982) là một nhà tiểu thuyết và lý luận quốc tịch Mỹ sinh tại Nga. Bà nổi tiếng vì đã phát triển học thuyết Chủ nghĩa khách quan và vì đã viết một số tác phẩm như We the Living (Chúng ta thực thể sống), The Fountainhead (Suối nguồn), Atlas Shrugged (Người khổng lồ nghiêng vai), For the new Intellectual (Vì giới tri thức mới) và tiểu thuyết ngắn Anthem.

Là người gây ảnh hưởng rộng lớn tới nước Mỹ hậu chiến tranh thế giới thứ 2, các tác phẩm của Rand đã tạo nên sự mến mộ nhiệt thành cũng như phê phán nghiêm khắc.

Các tác phẩm của bà đề cao các quan niệm tư tưởng về hiện thực khách quan, lý trí, chủ nghĩa vị kỷ, và chủ nghĩa tư bản tự do và phê phán những gì mà bà coi là không hợp lý và phi đạo đức của lòng vị tha, chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cộng sản.

Bà tin rằng con người phải có các giá trị của riêng mình và hành động theo lý trí; rằng cá nhân có quyền để hành động vì lợi ích của chính bản thân mình, không hy sinh bản thân cho người khác hoặc người khác vì mình; không ai có quyền chiếm đoạt những gì thuộc về người khác bằng bạo lực hay lừa dối, hoặc áp đặt tiêu chuẩn đạo đức của mình lên người khác bằng bạo lực.

Nhân vật lý tưởng trong tiểu thuyết của Rand là một người có những tài năng và sự độc lập mâu thuẫn với xã hội, nhưng luôn bền gan quyết chí đạt được mục đích của mình.

Tác phẩm The Fountainhead (Suối nguồn) là một tiểu thuyết thuộc hàng best-seller, xuất bản năm 1943 của Ayn Rand. Đây là tác phẩm thành công thành công của bà, nó đã đưa tên tuổi bà đến khắp thế giới.

Hơn 6,5 triệu bản đã được bán trên khắp thế giới và tác phẩm đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Việt. Suối nguồn luôn nằm trong danh sách những cuốn sách đáng đọc nhất, nó đã thay đổi cuộc đời hàng triệu người Mỹ nói riêng là cả thế giới nói chung.

Câu chuyện xoay quanh nhân vật Howard Roark, là một kiến trúc sư trẻ theo chủ nghĩa cá nhân. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1922, Howard Roark bị đuổi khỏi trường kiến trúc Staton vì từ chối tuân thủ sự tôn trọng quy định của trường.

Anh tin rằng các tòa nhà nên được điêu khắc để phù hợp với vị trí, vật liệu và mục đích của họ trong khi các nhà phê bình của trường Staton nhấn mạnh rằng sự tuân thủ công ước lịch sử là cần thiết. Sau đó anh đến Newyork và làm việc với thần tượng của mình là Henry Cameron.

Ở đây anh gặp lại người bạn cùng trường Peter Keating- một kẻ thủ đoạn, được tác giả miêu tả như một kẻ kí sinh, luôn cứng nhắc tuân theo những luật lệ cũ. Hắn ta làm chung công ty với Roark và luôn tìm cách hất chân đối thủ ra khỏi công ty, trong khi đó thì Roark và Cameron luôn sáng tạo, làm việc hết mình nhưng không được công nhận. Keating thì luôn nịnh bợ sếp nên cuối cùng trở thành đối tác của công ty Guy Francon.

Roark lúc ấy do quyết ý giữ chính kiến của mình, không phục tùng cấp trên nên đã bị sa thải. Sau đó, anh có mở một văn phòng nhưng do không vượt qua được thời kì khó khăn mà đã bị đống cửa.

Anh đến một mỏ đá làm việc và đã có một mối tình nồng thắm với con gái của chủ cũ là Dominique Francon – một người viết chuyên mục trang trí nội thất cho tờ “Ngọn Cờ New York”. Hai người đã có với nhau tình một đêm, nhưng sáng hôm sau do Roark có việc gấp nên đã về Newyork.

Anh gặp phải sự quấy rối của Ellsworth M. Toohey – tác giả của mục kiến trúc trong tờ “Ngọn cờ New York”, khiến một trong những khách hàng kiện Roark ra toà. Dù đã đứng ra bảo vệ quan điểm của Roark nhưng anh vẫn thua kiện, Dominique thất vọng trước thế giới mà những người đàn ông như Roark không được ghi nhận cho sự vĩ đại, cô quyết định sống với thế giới thật, kết hôn cùng Keating, nói và làm bất cứ điều gì Keating muốn, thuyết phục khách hàng đến với Keating thay vì Roark.

Thậm chí, để Keating nhận được hợp đồng Stoneridge – một công trình rất lớn của Gail Wynand (chủ sở hữu và chủ bút của tờ Ngọn cờ New York), Dominique đồng ý ngủ với Wynand. Và với sự thu hút mạnh mẽ từ sắc đẹp say lòng của một người phụ nữ trẻ ẩn giấu nỗi niềm khát khao yêu thương và ngưỡng vọng tài năng chân chính, Wyand yêu cầu Keating ly dị và cưới Dominique.

Muốn xây nhà cho mình và người vợ xinh đẹp, Gail Wyand phát hiện ra rằng mọi ngôi nhà ông thích đều được thiết kế bởi Roark, vì vậy ông tuyển mộ Roark để xây nhà. Roark và Wynand trở thành bạn thân và Wynand không biết về mối quan hệ trong quá khứ của Roark với Dominique. Guy Francon đã về hưu, chỉ còn Keating và công ty đang lao dốc, Keating cầu xin Toohey giúp có được dự án nhà ở Cortlandt và yêu cầu Roark giúp thiết kế.

Roark đồng ý thiết kế Cortlandt dưới tên Keating với điều kiện rằng toà nhà sẽ được xây dựng chính xác như thiết kế. Khi Roark trả về từ một chuyến đi dài với Wynand, phát hiện thiết kế Cortlandt đã bị thay đổi, Roark đã cho nổ toà nhà.

Roark bị bắt giữ, Wynand ra sức bảo vệ Roark bằng mọi giá nhưng đứng trước sức ép công chúng và nhân viên, Wynand đã đưa vào bản tố cáo Roark để tờ Ngọn cờ được như trước. Tại phiên toà, Roark phát biểu về giá trị của cái tôi và phải duy trì cái tôi đó với chính bản thân mình.

Các thẩm phán đã quyết định cho Roark vô tội. Dominique rời bỏ Wynand và kết hôn với Roark. Wynand quyết định đóng cửa tờ ngọn cờ New York và yêu cầu Roark thiết kế một toà nhà minh chứng cho dấu ấn và uy quyền của mình.

Tác phẩm là một bản tuyên ngôn về tinh thần của tuổi trẻ, nó tuyên bố về chiến thắng của con người và chỉ ra người ta có thể làm được những gì. Và Ayn Rand đã đúng. Cuốn tiểu thuyết của bà có thể làm cho những ai quen bị cuốn đi trong tâm lý bầy đàn phải giật mình, buộc phải tự hỏi về chính kiến của mình, giá trị riêng có và sự tự tin tối thiểu của mình.

Tác phẩm đề cao những con người sống theo chủ nghĩa cá nhân, luôn tư duy sáng tạo và giữ được cái chất của riêng bản thân mình giữa một thế giới rập khuôn cứng nhắc- người thực sự sống vì bản thân mình. Hình tượng Roark đã được Ayn Rand xây dựng thành một người như thế.

Anh ta chiến đấu hết mình vì điều mình tin là đúng, dù cho anh ta phải trả cái giá gì đi nữa, người bỏ mặc vẻ bề ngoài của mình râu ria, luộm thuộm chỉ để tập trung vào những đứa con tinh thần của mình- những bản vẽ. Anh ta thực sự bỏ mặc hết tất cả những định kiến xung quanh mình và thổi hồn vào những tòa nhà, từng nét vẽ được anh ta chăm chút đến khi tạo ra được những tòa nhà ngạo nghễ mang đậm tinh thần của anh ta, những nổi niềm khao khát của anh ta.

Anh ta không quan tâm đến danh tiếng, địa vị, tiền tài của bản thân bởi anh ta biết được điều mình chiến đấu là vì điều gì và anh ta chiến đấu vì nó mà không cần sự công nhận của mọi người. Ta cảm thấy anh ta chỉ có thể là nhân vật trong trí tưởng tượng vì trong cuộc sống hiện thực này anh ta không thể tồn tại được.

Những người sáng tạo ra cái mới như anh ta đều là những người bước một bước chân đầu tiên sang một con đường hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề vay mượn, và phản ứng mà họ nhận được luôn là sự căm ghét. Những nhà phát minh vĩ đại – những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những nhà sáng chế – đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ.

Tất cả những ý tưởng mới và vĩ đại đều bị chống đối kịch liệt. Những phát minh mới và vĩ đại đều bị lên án.

Động cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên đã bị coi là ác quỷ. Việc gây mê bị coi là tội lỗi. Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên.

Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ đã phải trả giá. Điều này được tác giả thể hiện rõ qua Roark khi nói: “Những người sáng tạo luôn là những người có cái tôi. Người sáng tạo không phục vụ cái gì và không phục vụ bất cứ ai khác. Anh ta sống vì chính bản thân mình. Và chỉ có bằng cách sống vì bản thân, anh ta mới có thể đạt được những thành tựu vinh quang của loài người. Đó chính là bản chất của sự thành công…”

Ngược lại với Roark là Peter Keating, nhà kiến trúc sư vốn đam mê hội họa, nhưng vì ước nguyện vật chất và trách nhiệm với người mẹ mà phải đưa mình vào thế giới kiến trúc xa hoa. Peter là mảnh tâm hồn hèn hạ và thối nát của con người. Anh ta luôn sống thứ sinh: đời sống được định nghĩa bởi người khác, hành động được hướng dẫn bởi ý chí của người khác.

Peter chỉ có thể thấy mình khi nhìn vào trong mắt của những người khác, khi thấy được sự tung hô của đám đông dành cho mình. Và đau khổ thay, sự tung hô đó, sự ngưỡng mộ trong ánh mắt đó lại dành cho những tài năng mà anh ta cũng vay mượn từ người khác.

Khi đến đây ắt hẳn ai cũng nhìn ra một phần của mình trong con người của Keating, nỗ lực hết mình chỉ vì mong muốn nhận được sự công nhận của người khác. Nhưng chúng ta đã quên mất con người của mình, ta cố biến đổi bản thân chỉ vì hài lòng người khác.

Mấy ai trong chúng ta còn nhớ ước mơ lúc nhỏ của mình nhưng rồi khi đứng trước ngưỡng cửa đại học ta lại chùng bước và nghe theo mong muốn của người khác; khát khao cháy bỏng thời sinh viên của mình nhưng rồi bị vùi dập khi bước chân ra xã hội. Trái tim ta chết dần chết mòn khi cứ dựa vào những lời tâng bốc của người khác để làm nguồn sống cho mình.

Rồi sẽ đến lúc ta đánh mất bản thân mình khi bán cả linh hồn để đánh đổi lấy tiền tài, địa vị, danh vọng. “Mối quan tâm của người sáng tạo là chinh phục tự nhiên. Còn mối quan tâm của kẻ ăn bám là chinh phục con người. Người sáng tạo sống với lao động của mình. Anh ta không cần ai khác. Mục đích cơ bản của anh ta là chính bản thân anh. Kẻ ăn bám sống cuộc đời thứ cấp. Anh ta cần những người khác”.

Cuốn sách là bản hịch ca của chủ nghĩa cá nhân. Như một lời tuyên bố đanh thép, kẻ sáng tạo thì sống mãi với thời đại, còn kẻ lạc hậu thì chỉ là kẻ bị thời đại bỏ lại sau lưng mà thôi. Nếu bạn mong muốn có thêm động lực và sức mạnh để thực hiện được điều bản thân hằng mong muốn thì cuốn sách này chắc chắn sẽ thỏa mãn bạn. Vậy, bạn còn chờ gì nữa mà không cầm ngay cuốn sách này lên nào.

Review sách Suối nguồn

Download ebook Suối nguồn PDF tai đây