Cô gái Đan Mạch là một câu chuyện có thật, dựa trên cuốn sách có thật “The Danish Girl” của nhà văn David Ebershoff khởi chiếu vào năm 2015. Đây là câu chuyện về cuộc đời của Lili Elbe – người chuyển giới đầu tiên trên thế giới.
Nói đến đây thì chắc nhiều người cũng không mấy hào hứng về nội dung của bộ phim, vì thực sự đây vẫn còn là một chủ đề quá nhạy cảm kén người xem. Thật ra, mình cũng không giỏi về văn từ để có thể thuyết phục một người nào đó xem phim và đồng cảm với số phận của nhân vật chính.
Nên nếu bạn đã xem qua review của mình và quyết định tìm hiểu rõ hơn về nỗi khổ mà những con người chuyển giới phải đối mặt thì đối với mình thật sự đó là điều may mắn.
Cô gái Đan Mạch lấy bối cảnh vào cuối thập niên 1920 tại Đan Mạch với hai nhân vật chính là Einar và Gerda Wegener – đôi vợ chồng hoạ sĩ người Đan Mạch, trải qua cuộc hôn nhân 6 năm nhưng vẫn chưa có con. Khi ấy Gerda vẫn mãi loay hoay với những bức tranh nghệ thuật chủ đề chân dung của các cô gái và chưa tìm được một sự đột phá trong sự nghiệp bởi không có người mẫu phù hợp với mình.
Thế rồi, mọi sự khởi đầu bằng việc Gerda nhờ Einar xỏ chân vào đôi vớ da của cô người mẫu vắng mặt để cô có thể hoàn thành nốt bức họa đang còn dang dở. Mọi chuyện sẽ không có gì nếu như cô không đưa ra quyết định “mượn” chồng mình làm mẫu. Cũng bởi từ đó, những rung động lạ lẫm bắt đầu chảy dài trong con người của anh. Và anh biết một điều là, có điều gì đó đã thay đổi kể từ khoảnh khắc ấy.
Cho đến khi Gerda lại nảy ra ý tưởng sai lầm thứ hai, đó là cho chồng mình cải trang thành một người phụ nữ cùng mình đến tham dự một buổi tiệc với tư cách là Lili. Tại đây, Einar đã bị cuốn hút bởi một người đàn ông khác.
Sau đó, là một chuỗi ngày Lili và Einar thay phiên nhau xuất hiện. Mình có thể cảm thấy rằng, Einar xuất hiện vì cảm thấy trách nhiệm và có lỗi với vợ mình, thay vào đó, những lần anh sống thật với chính con người mình, chính giới tính của mình thì Lili lại thay anh xuất hiện.
Phần còn lại của Cô gái Đan Mạch là diễn biến tâm lý của nhân vật chính khi bước vào hành trình chuyển mình từ một người đàn ông thành một cô gái như những gì mình hằng mơ ước. Nhiều người sẽ cảm thấy phim thiếu đi những cao trào, những cú twist bùng nổ, nhưng với mình, từng cảnh diễn biến tâm lý, từng cảm xúc mà diễn viên chính thể hiện chính là cao trào của phim.
Khi họ loay hoay, khổ sở giữa việc không được công nhận con người của mình, đến khi họ chấp nhận xu hướng giới tính trong chính con người họ dù cho điều đó kéo dài chỉ trong thời gian ngắn ngủi.
Ngưòi ta xem phim xong sẽ ca ngợi sự cam đảm, lòng dung cảm mà không phải ai cũng có được của Lili/Einar. Nhưng điều khiến mình cảm động nhất đó chính là tình yêu thương mà Gerda đã giành cho chồng của mình.
Làm sao có một người phụ nữ nào có thể nhìn người chồng của mình từng bước từng bước chuyển thành một người phụ nữ khác? Nằm ngủ chung một giường với chồng mình nhưng lại phải ngăn cách bởi chiếc rèm? Có người phụ nữ nào luôn ở bên lo lắng, chăm sóc thậm chí còn ủng hộ cho người chồng một lòng muốn đi chuyển giới?
Khi rơi vào bi kịch đối với hôn nhân của mình, ngoài mặt Gerda như song yên biển lặng nhưng trong thâm tâm cô như chết đi từng ngày một. Có lẽ khi cô hỏi Lili rằng “Em có thể gặp chồng em được không? Em cần anh ấy.” nhưng nhận được câu xin lỗi từ Lili thì Gerda đã hiểu. Với cá nhân mình thì đây mới thực sự là nhân vật quan trọng làm cho Lili trở nên hoàn hảo, một “cô gái Đan Mạch” đáng được tôn vinh bên cạnh sự can đảm của Lili.
Cô gái Đan Mạch mang về nhiều giải thưởng danh dự mặc dù thuộc thể loại kén người xem và thực sự nó đã thành công khi mang đến cho khán giả chuyến hành trình vừa đau khổ, vừa viên mãn về con người tiên phong chuyển giới.
Họ đã dũng cảm chiến đấu cho giấc mơ của bản thân, dũng cảm đồng hành cùng người mình yêu cho tới phút cuối cùng. Đó chính là cách đội ngũ làm phim dành tặng tác phẩm cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì cộng đồng LGBT.
Review phim Cô gái Đan Mạch
allaboutmiracle.com