[Review phim] Call me by your name | Có bộ phim nào giàu chất thơ đến thế!

Call Me By Your Name, bộ phim điện ảnh thu hút dư luận ngay từ khi vừa mới ra mắt và được kỳ vọng trở thành một trong những bộ phim “điển hình” về chủ đề LGBT. Vốn chủ đề này khá nhạy cảm và kén người xem nên tôi cũng khá lo lắng khi dành hơn hai tiếng để thưởng thức bộ phim này. Nhưng Call Me By Your Name đã không làm tôi thất vọng khi đưa tôi từ cung bậc cảm xúc này qua cung bậc cảm xúc khác. Để rồi khi đoạn nhạc cuối cùng vang lên, tôi chỉ quá thể thốt lên rằng, quá thơ, quá tình, và quá đẹp. 

Ấn tượng đầu tiên bộ phim này mang lại cho khán giả đó chính là cách kể chuyện đầy tự sự và nhẹ nhàng tạo ra từng câu chuyện. Nguyên bản nội dung được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Do Thái André Aciman nên các nhà làm phim cũng mang điểm này lên phim tạo nên một phim đậm chất “storytelling”.

Có lẽ nhiều người ngán ngẩm sự chậm rãi và không có kịch tích của thể loại phim này nhưng với tôi đây là điểm đầu tiên làm nên chất thơ của bộ phim. Từng diễn biến, câu chuyện cứ thế hiện lên qua những thước phim của huyền thoại “James Ivory”.

Elio, anh chàng người Do Thái 17 tuổi với tài năng âm nhạc đáng kinh ngạc và sở thích đọc sách hàng giờ hàng ngày. Cuộc sống mỗi ngày của Elio có lẽ sẽ vẫn bình yên như thế bên ông bà Perlman và đám bạn cùng tuổi.

Nhưng không, một lần xuất hiện của Oliver đã làm xáo trộn tất cả rồi bật lên những cảm xúc yêu đầu đời của Elio. Từ nhận ra, chối bỏ, giấu diếm, rồi ghen tuông vô thức, thả tín hiệu cho đến yêu nhau nồng say,… tất cả các cung bậc cảm xúc của một người đồng tính lúc nhận ra tình cảm của mình đều được Elio thể hiện quá hoàn hảo.

Tuy tính cách Oliver và Elio nhìn vào có vẻ trái ngược nhau nhưng lại dung hòa đến kỳ lạ. Một cảm xúc của tuổi mới lớn và một cảm xúc của tuổi trưởng thành. Những suy nghĩ, lo toan của họ có thể khác nhau nhưng lại chung một nhịp đập tình yêu. Sáu tháng hè bên nhau sao mà ít ỏi đến thế, khi chưa kịp nhận đủ yêu thương đã phải đến lúc xa nhau. Nhưng cũng chính vì có họ mà mùa hè nước Ý năm 1983 đã trở nên đẹp đến thế!

call me by your name

Chúng ta cũng có thể thấy được một dáng dấp của huyền thoại “James Ivory” qua màu sắc lãng mạn của bộ phim. Chỉ với vài tông màu chính xuyên suốt các cảnh phim mà James đã tạo ra một nước Ý đẹp đến mơ màng nền nã.

Sắc vàng của ánh nắng sớm mai, của bình nước mơ ngâm và cả của dĩa trứng ốp la yêu thích của Elio. Ngoài màu vàng hơi hướng hoài cổ, đạo diễn Luca còn dùng rất nhiều màu xanh trong các cảnh phim.

Màu xanh của trời hè năm ấy Elio có Oliver, màu xanh của biển khơi nơi chứng kiến cái nắm tay vụng về của cả hai, màu xanh của chiếc áo Oliver mặc khi lần đầu gặp gỡ và màu xanh của niềm tin, hy vọng trong cuộc tình bí mật này. 

Cùng với màu phim, âm thanh chính là sự cộng hưởng tuyệt diệu nhất của Call Me By Your Name. Những âm thanh tượng thanh luôn thỉnh thoảng xuất hiện trong các cảnh phim. Từ tiếng đạp xe, tiếng lá rơi xào xạc, tiếng nước chảy róc rách cho đến tiếng khóc nức nở của Elio khi nhận được tin từ Oliver,… tất cả đều góp phần đưa khán giả đến gần hơn với mối tình đẹp dang dở này.

Để thể hiện rõ sự hoài cổ của bộ phim, tác phẩm đa phần dùng điệu nhạc Piano của thiên tài Elio cho mọi khung cảnh. Đây quả thật là một điều tài tình của vị đạo diễn này khi nhạc không lời là những bản nhạc êm đềm mà nhẹ nhàng như chính chuyện tình của họ.

Ngoài ra, không thể bỏ qua “Mystery of love” và “Vision of Gideon” do Sufjan Stevens thể hiện là một tác nhân quan trọng giúp đẩy các tình tiết phim lên đúng cung bậc cảm xúc của nó. 

Điều đặc biệt của bộ phim là những cảnh phim vừa ẩn ý thông điệp vừa đậm chất nghệ thuật. Ấn tượng nhất là cảnh đã làm nên tiêu đề của bộ phim khi cả hai mặn nồng sau khi thừa nhận tình cảm của mình. Oliver đã nói rằng call me by your name and I call you by my name để rồi mỗi lần nỗi nhớ Oliver tràn về Elio đã thầm gọi tên anh như một tín ngưỡng đẹp nhất. Đơn giản mà sâu lắng, ngôn từ của bộ phim nên thơ đến lạ kỳ. Không thoại quá dài, quá nhiều, mà từng câu thoại nhỏ, đầy ẩn ý của nhân vật.

Dụng ý nghệ thuật của đạo diễn được đẩy lên cao nhất khi quay đặc tả những hình ảnh có đôi có cặp hoán dụ cho sự tồn tại của Elio và Oliver. Hai chiếc xe đạp đặt cạnh nhau, hai chiếc quần bơi vất ngang thành, hai đôi bàn chân cọ xát dưới dòng suối,… như một sự thừa nhận ngầm rằng cả hai đã ở bên nhau rồi, cả hai là cặp đôi bí mật.

Rồi đến cảnh phim Elio và Oliver đi vòng tượng đài thả những câu thoại bâng khuâng, lại là một điểm tài tình của vị đạo diễn tài hoa này. Mỗi người dắt mỗi chiếc xe đạp đi ngược vòng rồi lại gặp nhau, vô tình cố ý thả tín hiệu cho nhau, ra dấu cho đối phương rằng bản thân đã sẵn sàng cho mối quan hệ này rồi. Chắc hẳn lúc xem đến hình ảnh này khán giả sẽ phải thốt lên cho ý tưởng tuyệt vời của các nhà làm phim. 

Có lẽ khán giả sẽ không bao giờ quên được hình ảnh cuối cùng của bộ phim khi mà Elio khóc nức nở bên lò sưởi. Elio đã vui biết bao nhiêu khi nhận được điện thoại từ Oliver sau bao tháng xa nhau nhưng lại là cuộc điện thoại mang người yêu cậu xa mãi.

Hay tin Oliver sắp kết hôn và những giọt lệ từ Elio là cảnh phim gây ám ảnh đến lạ kỳ. Có lẽ đây là một kết thúc dang dở cho sáu tháng hè đẹp đẽ ấy nhưng lại là kết thúc tốt nhất cho mối tình đầy đầy lo toan của họ.

Nào ai biết được cuộc sống sau này sẽ ra sao với những ánh nhìn đầy kỳ thị của xã hội này dành cho những con người như họ. Là những cuộc cãi vã, giận hờn rồi chia tay,…vậy chằng bằng lưu giữ lại những ký ức mùa hè năm ấy như những gì đẹp nhất cho nhau. 

Người đời có mấy ai dễ dàng với cộng đồng LGBT, với họ đó là sự ngộ nhận, là sự sai lầm và là một căn bệnh lạ lùng. Nhưng mà hỏi ai nước mắt nào rơi mà không đắng, tình yêu nào dang dở mà mà không đau? Người trong cộng đồng đó cũng là con người, họ cũng có tình cảm, họ cũng cần tình thương, chỉ là tình yêu họ trao đi không như những cặp đôi nam nữ khác, nên họ phải chịu đựng sự kỳ thị của xã hội ư? Không, cả Elio và Oliver, cả cộng đồng này, họ đáng được yêu thương, bởi những cảm xúc chân thật mà giản dị ấy. 

Khán giả xem phim Call Me By Your Name đã bị cuốn vào cung bậc cảm xúc của hai nhân vật xuyên suốt tác phẩm đến nỗi quên mất phải băn khoăn, suy nghĩ về thứ tình yêu “lạ kỳ” của hai chàng trai. Để làm sự thành công kỳ diệu ấy là sự kết hợp giữa biên kịch James Ivory, đạo diễn Luca, diễn xuất của hai chàng thơ Armie và Timothée, và thông điệp bao quát toàn bộ phim. Tuổi trẻ chỉ đến một lần, thay vì lo lắng chần chờ thì hãy sống thật với cảm xúc sâu kín nhất. Đừng chối từ bản ngã của mình, vì sau cùng bạn cũng là chính bạn mà thôi. 

Review phimCall me by your name

allaboutmiracle.com