Victor Hugo (26/2/1802 – 22/5/1885) là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch thuộc chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng của Pháp. Ông cũng đồng thời là một nhà chính trị tiêu biểu của thế kỷ XIX.
Victor Hugo có một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Pháp. Các tác phẩm của ông đa dạng về thể loại và trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Với tư cách là nhà thơ trữ tình, Hugo đã xuất bản tập Odes et Ballades (1826), Les feuilles d’automne (1831) hay Les Contemplations (1856).
Nhưng ông cũng thể hiện vai trò của một nhà thơ dấn thân chống Napoléon III bằng tập thơ Les Châtiments (1853) và vai trò một nhà sử thi với tập La “Légende des siècles” (1859 và 1877). Thành công vang dội của hai tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris và Những người khốn khổ đã đưa Victor Hugo trở thành tiểu thuyết gia của công chúng.
Xuất bản lần đầu tiên năm 1862, tiểu thuyết Những người khốn khổcủa ông được coi là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của văn học thế giới trong thế kỷ 19. Không lâu sau đó, cuốn sách này được chuyển thể thành nhạc kịch và cũng trở thành một kiệt tác của văn hóa đương đại. Nhạc kịch Les Misérables được dịch ra 21 thứ tiếng, công diễn tại 44 quốc gia và vùng lãnh thổ cho 60 triệu khán giả.
Quan tâm sâu sắc tới mối quan hệ giữa công lý xã hội và phẩm giá con người, từ năm 1829 Victor Hugo đã viết tiểu thuyết Le Dernier Jour d’un condamné( Ngày cuối cùng của một tử tù), một tác phẩm độc thoại và bào chữa chống lại án tử hình. Tiếp đó năm 1834 ông viết tác phẩm Claude Gueux cũng về mối quan hệ giữa công lý và con người.
Năm 1845, ông bắt đầu viết một phần của tiểu thuyết mà Hugo dự định đặt tên là Les Misères (Những cảnh khốn cùng). Ông ngừng viết tiểu thuyết này vào tháng 2 năm 1848 nhưng cùng thời kỳ đó lại viết một tác phẩm khác có tên Discours sur la misère (Chuyên khảo về sự khốn cùng – 1849).
Trong thời gian phải đi tị nạn, sau khi hoàn thành tác phẩm Contemplations năm 1856 và la Légende des siècles năm 1859, Victor Hugo bắt đầu viết hoàn chỉnh tiểu thuyết Les Miserables(Những người khốn khổ) và xuất bản nó vào năm 1862.
Những người khốn khổ vừa là một tiểu thuyết hiện thực, vừa là một tiểu thuyết sử thi và cũng là một bài ca về tình yêu.
Trên khía cạnh hiện thực, tiểu thuyết Những người khốn khổ đã miêu tả cả một xã hội của những con người nghèo khổ, đó là bức tranh cực kỳ chân thực về cuộc sống ở nước Pháp nói chung và ở Paris nghèo khổ nói riêng vào nửa đầu thế kỷ 19.
Trên khía cạnh là một tiểu thuyết sử thi, tác phẩm đã miêu tả ít nhất ba bức tranh chân thực của lịch sử nước Pháp, đó là trận Waterloo, cuộc nổi dậy của những người cộng hòa ở Paris năm 1832 và cuộc chạy trốn trong cống ngầm của Jean Valjean.
Tính sử thi của tiểu thuyết cũng thể hiện qua việc miêu tả những xung đột bên trong tâm hồn con người, đó là sự xung đột giữa cái thiện và cái ác bên trong Jean Valjean, đó cũng là sự xung đột trong suy nghĩ của Javert trước sự tôn trọng luật pháp và sự tôn trọng đạo lý con người. Cuối cùng cái thiện, lòng nhân đạo của con người vẫn chiến thắng trước cái ác, những định kiến nặng nề của xã hội.
Tiểu thuyết là một bài trường ca về tình yêu được Victor Hugo thể hiện qua cả một hệ thống nhân vật. Bất luận là nhân vật chính hay nhân vật phụ đều có một câu chuyện của riêng mình, họ đều được tác giả dành cho đất diễn để đọc giả thấy được tâm hồn, khát khao của họ qua từng câu chữ.
Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính Jean Valjean – một chàng trai nghèo bị đi tù chỉ vì ăn cắp một cái bánh mì để cứu sống cả một gia đình đang chết đói. Sau khi ngồi tù 19 năm, anh phải sử dụng giấy thông hành màu vàng – thứ để chỉ kẻ đã có tiền án, anh bị tất cả mọi người kì thị.
Nhưng rồi xuất hiện linh mục Myriel – người đã chấp nhận cưu mang Valjean mặc dù biết anh là kẻ đã bị tù tội. Thế nhưng, cuội sống tù tội 19 năm đã làm biến đổi chàng trai nhân hậu năm xưa ấy, Valjean đã ăn cắp chiếc vòng bạc của linh mục Myriel. Những tưởng Valjean lại phải vào tù và một kiếp người đã lụi tàn từ đây, nhưng bất ngờ thay người linh mục nhân hậu lại tha thứ cho anh và khuyên anh nên sống lương thiện.
Chính quyết định bất ngờ này của linh mục Myriel đã khiến chàng trai lầm lỡ quay lại con đường chính nghĩa, giúp anh tìm lại được ý nghĩa cuộc sống. Sau này, Valjean đã hướng thiện và mở một nhà xưởng, đổi tên thành Madeleine để né tránh sự truy bắt của thanh tra Javert.
Javert – viên thanh tra đại diện cho pháp luật cứng ngắc của xã hội Pháp lúc bấy giờ. Ông ám ảnh bởi việc có thể bắt được Valjean. Ông liên tục truy đuổi Valjean từ thành phố này đến thành phố khác, từ năm này qua năm khác.
Thế nhưng ông ta luôn bị vồ hụt con mồi, luôn chậm chân hơn Valjean một bước. Đến khi cuối cùng đã có thể bắt được Valjean thì ông lại phải đấu tranh giữa lòng nhân ái của một con người hay là quy định của luật pháp, cuối cùng tình người đã chiến thắng, ông đã thả Valjean đi. Thế nhưng đồng thời không thể chịu được mình đã phạm pháp, chống lại niềm tin lâu nay, ông đã gieo mình xuống sông Seine tự tử.
Một trong những nhân vật phụ để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho đọc giả đó là nhân vật Fantine – một người gái điếm kì lạ với cái tóc trụi lủi và cái miệng thiếu hai cái răng cửa. Thế nhưng mấy ai biết câu chuyện đau lòng đằng sau vẻ ngoài kì lạ ấy. Cô làm việc trong nhà xưởng của Valjean nhưng đã bị đuổi bởi lý do không ai ngờ đến.
Bị dồn vào đường cùng, cô buộc phải bán mình trở thành gái điếm để nuôi con gái cô là Cosette, thậm chí khi Cosette bị bệnh, để có tiền chữa bệnh cô phải bán cả tóc và răng của mình đi. Valjean đã gặp được cô trong tình cảnh éo le đó, thấy có lỗi với Fantine, khi cô bị bệnh lao và qua đời, anh đã hứa với cô sẽ chăm sóc Cosette như con ruột của mình.
Cô được Victor Hugo dựng nên như một tường thành bất tử của lòng mẫu tử. Đồng thời ở cô ta còn thấy được sự đấu tranh không ngơi nghỉ khi cuộc đời cô là một chuỗi gian truân, khi còn thiếu nữ được đắm chìm trong tình yêu, cô như người thiếu nữ đẹp rạng ngời với mái tóc vàng óng ả; khi bị người tình bỏ rơi, một thân một mình nuôi con gái, cô lại tàn tạ, héo úa như bông hoa thiếu nước; khi bị đuổi khỏi nhà xưởng, vì mong muốn đem lại điều tốt nhất cho đứa con gái bé bỏng mà cô đã bán đi cả thân xác và danh dự của mình.
Rồi khi căn bệnh lao nghiệt ngã kéo đến đã nghiền nát thân thể mong manh của người con gái ấy. Đến tận giây phút cuối đời, cô mới yên lòng khi được Valjean tốt bụng hứa sẽ cưu mang đứa con gái bé bỏng của mình.
Cosette là nhân vật nữ duy nhất được tác giả dành cho một cái kết viên mãn trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết. Khi cô còn nhỏ phải ở nhờ nhà Thénardier độc ác, sau khi được Valjean cứu thoát, cả hai bắt đầu cuộc hành trình chạy trốn sự truy đuổi ráo riết của thanh tra Javert.
Từ đây cô sống một cuộc sống hạnh phúc dưới sự đùm bọc, yêu thương của người cha nuôi Valjean. Đến khi thiếu nữ, cô đã gặp và yêu chàng thanh niên trí thức Marius Pontmercy.
Eponine cũng là một nhân vật nữ phụ có số phận bi thảm. Cô là con gái của nhà Thénardier năm xưa, cô được tác giả miêu tả như một người con gái gian hồ nhưng mấy ai biết được dưới vẻ ngoài thô kệch ấy là một tâm hồn yêu thương cháy bỏng như thế nào.
Cô có một tình yêu éo le khi đem lòng yêu chàng thanh niên Marius Pontmercy nhưng chàng lại đem lòng yêu một người con gái khác là Cosette. Đau khổ vì người mình thầm yêu lại yêu một người khác, nhưng vì muốn người mình yêu vui, cô đã đưa địa chỉ của Cosette cho người tình khi anh ta muốn tìm Cosette, cứu mạng cả hai trước cái bẫy của gia đình Marius Pontmercy.
Cuối cùng, cô tham gia cách mạng và chết vì đỡ một viên đan cho Marius. Hành động của cô nhìn như mâu thuẫn khi lại giúp đỡ người mình yêu đến với tình địch, thế nhưng điều thôi thúc cô làm như vậy là mong muốn Marius được hạnh phúc.
Thông qua người con gái nhỏ nhắn này, ta ngộ ra được một triết lý tình yêu sâu sắc – yêu là mong muốn đối phương được hạnh phúc, chứ không phải yêu là sựu ích kỷ chỉ muốn nhận về mình.
Các nhân vật phụ như Marius Pontmercy, Gavroche, Enjolras hiện lên như một thế hệ trí thức trẻ, sống đầy hoài bão và đam mê, họ đều có chung tư tưởng là phản đối chế độ chuyên chế của nhà Bourbon, khắc phục tình trạng của xã hội nước Pháp.
Những người khốn khổ là một khúc tráng ca ca ngợi vẻ đẹp của con người, của nhân dân lao động. Cái đẹp trong tác phẩm được thể hiện đa dạng trên nhiều bình diện khác nhau nhưng chủ yếu nằm ở phẩm chất của con người.
Họ là những người lao động khốn khổ, những người có thân phận thấp kém, bị xã hội tư sản phủ nhận, coi rẻ nhưng lại tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp, cao cả Hầu hết các nhân vật đều mang theo cái đẹp, bởi vì họ là người lao động chân chính. Cái đẹp lớn nhất của họ là đức hi sinh và ban phát, họ có thể hi sinh mọi thứ mình có để ban phát cho người khác, thể hiện “công lí tình thương” mà tác giả gửi gắm.
Tuy nhiên động cơ chính của Hugo khi viết tác phẩm là muốn biến nó thành một bản biện hộ xã hội. “Nếu những người bất hạnh và những kẻ tội phạm bị coi là giống nhau, thì đó là lỗi của ai?”.
Theo Victor Hugo, đó là lỗi của sự khốn cùng, sự thờ ơ của một chế độ chỉ biết trấn áp mà không biết thương xót. Là người theo chủ nghĩa lý tưởng, Victor Hugo tin rằng sự dạy dỗ, kèm cặp và tôn trọng từng cá nhân là những vũ khí duy nhất của xã hội để tránh cho những người bất hạnh trở thành tội phạm.
Những người khốn khổ là một bức tranh toàn cảnh về xã hội Châu Âu nói chung và xã hội Pháp nói chung. Khi đọc nó, bạn có thể hòa mình vào đời sống của những người lao động nghèo khó nhưng giàu tình thương, thế nhưng lại bị xã hội bấy giờ áp bức, buộc họ vào con đường tội phạm. Thế những họ vẫn kiên cường đấu tranh vì lý tưởng của mình. Vậy bạn còn chờ gì nữa mà không cùng hòa mình với họ trong khúc ca bi tráng này.