Lời chia tay đẹp nhất thế gian | Noh Hee Kyung

Chắc chắn một ngày nào đó, họ rồi sẽ trở thành “nỗi buồn tiếc” của bạn, vậy thì làm ơn… đừng tự cho phép mình trở thành “nỗi buồn giận” của họ.

Đó là những gì tôi học được từ quyển sách – “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” của tác giả Noh Hee Kyung – một nhà biên kịch nổi tiếng ở Hàn Quốc.

“Thật kỳ lạ, khi còn trên đời, mẹ chỉ đơn giản là mẹ thôi, chẳng có gì hơn. Thế nhưng khi bà qua đời, tôi bỗng có suy nghĩ rằng, bà chính là cả cuộc đời của mình” – chỉ với trang sách đầu tiên, nó phảng phất đâu đấy là những nỗi buồn, sự day dứt đến đau lòng của những người ở lại…

Câu chuyện kể về một người mẹ, người vợ vẫn hàng ngày “chiến đấu” với người mẹ chồng bị chứng mất trí nhớ, thường buông những lời mắng nhiếc, chửi bới chẳng chút kiêng dè; với người chồng cộc cằn, trầm tính; hai người con chẳng giàu tình cảm và một người em trai đắm mình trong cờ bạc, rượu chè.

Cuộc sống hàng ngày của người mẹ ấy – bà Kim In Hee cứ đơn giản, đều đặn mà trôi qua cùng những công việc nhà, những buổi sáng bận rộn hết làm cơm, lo quần áo, thắt cà vạt cho chồng rồi đến bón cơm cho mẹ chồng…

Có lẽ, công việc khó khăn nhất với bà là “đối phó” với một bà mẹ chồng bị chứng mất trí nhớ ấy. Những câu chửi mắng, thậm chí có khi là đánh đập, giựt tóc, ném đồ ăn,…tất cả bà đều phải chịu đựng. Không biết vì quá vị tha hay vì bà đã quá quen những việc như thế nữa mà bà bỏ qua tất cả.

Tôi thật ngưỡng mộ những khoảnh khắc khi bà nịnh hót để dụ mẹ chồng ăn; vừa làm việc nhà vừa chơi bóng với mẹ; hay những lần có việc phải ra ngoài, bà thường gọi điện kiểm tra tình hình vì sợ người mẹ chồng như con nít của mình sẽ quấy không ai chịu được,…Và có lẽ việc “chịu đựng” mẹ chồng hàng ngày vẫn luôn là niềm vui của bà khi cả chồng, con đều bận rộn.

Những lúc thế này, tôi lại nhớ đến mẹ và nội tôi. Mẹ tôi từ lúc làm dâu đã không phải ở cùng nội rồi nhưng tôi không hiểu sao nội rất thương mẹ. Những ngày lễ, tết vì mẹ tôi bận bịu nên thường sẽ lên ăn uống rất trễ, những lúc như vậy nội thường kêu mấy cô nhớ chừa phần cho mẹ tôi. Mẹ tôi cũng hay chọc nội lắm, cứ hay giỡn – “Con trả lại chồng con cho mẹ nha” thì nội lại buồn cả buổi.

Nhiều khi chọc đến nhiều lần như vậy nên mẹ cứ ngỡ nội biết mẹ giỡn rồi. Ai ngờ nội đi than vãn hết với mấy cô của tôi rằng mẹ sắp trả ba lại rồi, thế rồi mẹ lại đi mua quà tặng và giải thích cho nội bớt lo. Cuộc sống mẹ chồng – nàng dâu của mẹ tôi nhàm chán đến mức đó đấy, nhưng thật đáng ghen tị.

Cũng giống như mẹ tôi, bà Kim In Hee đã lựa chọn cho mình một phương thức thể hiện tình yêu với mẹ chồng một cách chân thật nhất.

Bà có hai người con, đứa con gái lớn tên Yeon Soo – đang làm thiết kế biển quảng cáo và cậu con trai út tên Jeong Soo – nỗi lo lớn nhất của bà, vẫn chưa bước chân vào đại học.

Có một lần, khi bà có việc ra ngoài và đến chỗ con gái làm để có thể cùng nhau ăn bữa cơm. Đối với một người mẹ số lần đi ra ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay thì đây là cơ hội thật hiếm có. Nhưng không, đáp lại sự mong đợi chỉ là lời nói dối, quay đi không một lần nhìn lại của đứa con ấy mà thôi. Cô đã lựa chọn dành thời gian cho người tình thay vì một bữa ăn với người phụ nữ đáng thương ấy. Ắt hẳn, bà đã buồn đến nhường nào.

Và cả khi đi khám bệnh, cũng chỉ lẻ bóng một mình bà, buồn cười thay chồng bà lại là một vị bác sĩ. Hay cũng chỉ có một mình bà tất bật chạy ngược chạy xuôi lo cho ngôi nhà mới – nơi mà bà muốn chuyển đến càng sớm càng tốt để tránh cái lạnh sắp tới cho mẹ chồng.

Một người phụ nữ vác lên mình trách nhiệm của một người mẹ, người vợ, người con dâu, nghe thì đơn giản nhưng sao lại nặng nề đến thế? Tôi thắc mắc liệu là bà có mệt không khi như đang sống một mình, phải lo cho rất nhiều người nhưng lại chẳng ai đoái hoài.

Hơn cả chữ “mệt” mà là chữ “đau”. Bà ấy đau, chỉ là đang cố chịu đựng thôi, chắc chắn là đau… với căn bệnh ung thư cổ tử cung ác tính.

Chồng bà là người biết tin đầu tiên nhưng lại không nói với ai, kể cả bà lẫn hai người con – những người có quyền biết và nên được biết. Chắc có lẽ ông đang sợ, ông sợ phải đối diện với những ánh mắt trách móc khi ông – thân là bác sĩ nhưng chỉ biết đứng nhìn cái chết đang dần đến với vợ mình. Cũng có lẽ, ông vẫn còn nuôi dù chỉ 1% hi vọng vào số phận.

Cho đến khi ông bất lực, muốn cho mình và con cơ hội nói lời xin lỗi với người mà họ đã làm chuyện có lỗi, có cơ hội nói lời yêu thương với người mà họ đã không thể yêu thương. Cũng giống như ông, hai người con của ông không thể chấp nhận được sự thật này vì họ sợ “tin bố tức là phải chấp nhận chuyện mẹ sẽ chết, thế nên bố nhất định là người không thể tin”.

Và họ cũng không muốn thừa nhận rằng, họ – những đứa con về nhà không động tay làm cái gì, chưa hết lại còn lúc nào cũng cáu giận, kêu than mệt mỏi vì chuyện bên ngoài, cuối cùng lại chỉ có thể làm được duy nhất một việc cho mẹ, đó là từ bỏ.

Cuộc đời mỗi chúng ta, sẽ có những chuyện mặc dù không muốn nhưng cũng phải chấp nhận. Càng đau đớn hơn khi thời gian để chấp nhận và thay đổi là quá ngắn. “Thế mới là ung thư đấy. Trước khi phát hiện được thì chẳng ai biết, đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn. Đó chính là bệnh ung thư”, một câu nói rất thực tế và cũng rất đau lòng.

Sau đó là những chuỗi ngày phải nói là thật hạnh phúc với người phụ nữ ấy. Khi đứa con gái lớn đã biết nấu ăn theo đúng những gì bà dạy bảo, khi được đứa con trai gắp thức ăn cho, khi thấy mẹ chồng đối xử dịu dàng, khi người em trai quay đầu làm ăn chân chính và khi chồng bà luôn nhường nhịn, quan tâm đến bà dù chỉ là những cử chỉ nhỏ nhất.

Nghe tưởng chừng như cũng không có gì to tát, nhưng đối với người phụ nữ trước giờ chỉ là mẹ của hai đứa con, là con dâu của mẹ chồng, là người vợ luôn lo cho người chồng vô tâm thì đây chính là cuộc sống.

Cuộc sống gia đình hạnh phúc như này là điều chỉ khi sắp hết thời gian bà mới có được. Nhưng bà lại có nhiều mối lo hơn khi những chức danh ấy luôn đè nặng lên bà những trách nhiệm cần phải hoàn thành, vì bà biết mình không còn nhiều thời gian nữa.

Trong một khoảnh khắc, tôi không biết mình có cảm xúc gì khi đọc đến đoạn bà nói với mẹ chồng: “Con biết nói như này là không đúng nhưng…Mẹ ơi, khi tỉnh táo, mẹ hãy cắn lưỡi đi, hãy đi theo con. Mẹ đừng làm khổ bố bọn trẻ và bọn trẻ thêm nữa, hãy theo con nhé. Con sẽ đợi mẹ”.

Là sợ, đau lòng hay bất an? Chính tôi cũng không biết chính xác nó là gì nhưng tôi biết chắc hẳn bà đã phải dằn vặt lắm khi nói như vậy với người mẹ bà đã dành tình cảm mấy chục năm trời. Cũng như chồng bà đã mất bao nhiêu thời gian để có thể chấp nhận nói ra cùng các con – “Mẹ con ra đi lúc này có lẽ lại may…So với những người ở lại, người đi trước sẽ tốt hơn vì những người ở lại sẽ phải chịu vất vả gấp đôi. Bố tin là như thế đấy”.

Lời chia tay đẹp nhất thế gian” có lẽ bắt đầu từ đây. Khi bà cùng gia đình đến ngôi nhà mới – nơi mà sẽ thiếu vắng hình bóng của bà sau này, và bà biết chuyến đi này chính là cuộc chia tay lần cuối cùng với các con và chồng của mình.

“Jeong Soo à…dù con quên hết tất cả, quên đi cả khuôn mặt hay nụ cười của mẹ…thì con cũng không được phép quên con được sinh ra từ bụng mẹ”.

“Yeon Soo…là mẹ. Mẹ… là Yeon Soo”.

“Tụi nhỏ kia, các con của mẹ đang vừa đi vừa khóc. Vì là mẹ của tụi nhỏ nên dù không nhìn thấy, mẹ vẫn biết hết tất cả”.

“Mình hãy làm cho tôi một ngôi mộ nhé”, đây là ước nguyện cuối cùng của bà vì bà không muốn chồng và các con sau này không biết bà ở đâu. Bà sợ họ đi đến chỗ này cũng khóc, đi đến chỗ kia cũng khóc…

“Mình… không có tôi vẫn sẽ ổn chứ?”.

“Mình nhanh đến với tôi nhé. Đừng để tôi phải buồn tẻ một mình”.

“In Hee à…Thật sự…cảm ơn mình…”.

Đây không phải là một đoạn hội thoại xuyên suốt mà đây là những khoảnh khắc bà nhắn nhủ riêng với từng người. Vì bà mẹ tâm lý ấy, biết rõ tính cách của mỗi đứa con của bà, của người chung chăn gối hơn nửa đời người của bà, sẽ khó lòng mà bộc bạch được cảm xúc của bản thân.

Thật vậy, đây có lẽ là những “Lời chia tay đẹp nhất thế gian”. Khép lại những cơn đau, đau đến mức dù có cố cũng không thể nào chịu đựng được nữa rồi. Bằng cái giá của nỗi khổ đau vô cùng này sẽ có thời gian để sắp xếp lại cuộc sống mà mọi người chưa bao giờ trải qua đấy thôi.

Biết rằng rất khó chấp nhận, nhưng thử nghĩ xem, nếu không có sự mất mát đầy đau đớn này, thì bao giờ người chồng mới có thể trở nên dịu dàng như thế; những người con nên chính chắn hơn; đứa em mới từ bỏ cờ bạc, rượu chè…

Tôi không phải là một người lạc quan gì, nhưng đôi khi bạn phải thuận theo dòng đời…và sống. Sống ngay từ bây giờ, không phải đợi đến khi bạn và “họ” gặp phải sự ly biệt tàn nhẫn, không thể nhìn thấy, không thể chạm, không thể nghe được giọng nói.

Bạn có bao giờ tự hỏi “họ” đã chịu đựng cuộc sống như thế nào với những chuỗi ngày bạn bận rộn với công việc, học tập chưa? Bạn có bao giờ đón được một ngày lễ trọn vẹn bên “họ” hay chưa? Bạn có bao giờ nhìn thấy gương mặt hãnh diện của “họ” khi nói về bạn với mọi người hay chưa?…E rằng là chưa vì bạn chưa bao giờ có mặt ở những khoảnh khắc đẹp đẽ của “họ”.

Mỗi khi về nhà, tôi đã tự cho phép mình từ chối những cuộc vui bạn bè, tôi đã từng bị giận dỗi, số bạn bè của tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng những tháng ngày được coi là tuổi trẻ của tôi – tôi biết nó đang trôi qua thật ý nghĩa. Vì tôi sợ sẽ có một ngày cả bạn và tôi sẽ hối hận, sẽ vô vọng đi van xin cơ hội chỉ để có thêm được một ngày bên cạnh “họ” như Jeong Soo và Yeon Soo.

Review sách Lời chia tay đẹp nhất thế gian

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *