Tôi – một cô gái nếu không muốn nói là cực kỳ không có tí hứng thú gì với văn chương, đặc biệt là các thể loại văn học nước ngoài. Tôi tự nhận thấy chúng quá vượt trội so với khả năng tiếp thu ý nghĩa văn chương mà tác giả muốn truyền đạt. Nhưng thật lạ là tôi lại rất thích sưu tầm sách, tôi thích cảm giác đắm mình trong một căn phòng mà bốn góc chỉ toàn là những kệ chất chật cứng các loại sách, vừa nghe nhạc vừa làm việc, không giống như những đoạn đường xô bồ ngoài kia. Nhưng một năm đổ lại đây, tôi lại bị cuốn vào nội dung của những cuốn sách đó. Buồn cười ở chỗ, cuốn sách đầu tiên đưa tôi đến con đường này lại từ một nhà văn Pháp.
Cũng như thường lệ, tôi vào tiệm sách cũ quen thuộc, cứ đi từng gian, tìm những cuốn sách có bìa đẹp và nội dung tóm tắt hay để thêm vào bộ sưu tập của mình. Nhưng buổi chiều đó không hiểu sao tôi lại không chọn được bất cứ cuốn nào, và cũng không hiểu vì sao tôi lại tản qua gian sách văn học nước ngoài. Đúng như tôi nghĩ, chả có gì hứng thú ở đây cả, cho đến khi tôi bắt gặp nó. Ấn tượng đầu tiên là vì tựa đề cuốn sách, trước giờ tôi đặc biệt thích thú với tất cả những chủ đề liên quan đến gia đình, cũng vì thế nó bước đầu đã lấy được sự quan tâm của tôi.
Vì là tiệm sách cũ nên hầu như tất cả sách ở trong đó đều ngả màu, những trang sách lấm lem chấm ố vàng, và đặc biệt thay khi nó kết hợp với cuốn sách có tên “Không gia đình”, lại mang cho tôi một cảm giác chân thật đến lạ. Đúng vậy, cuốn tiểu thuyết nước ngoài thuộc thể loại tôi né tránh trước giờ, và cũng là cuốn sách mang chủ đề lấy được sự quan tâm của tôi – Không gia đình.
Đây là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Pháp, Hector Malot, được xuất bản từ năm 1878. Dù ra đời đã lâu và nội dung mang hơi hướng tư bản nhưng nó vẫn được nhiều độc giả đón nhận.
“Không gia đình” kể về câu chuyện cuộc đời của cậu bé Remy. Một đứa trẻ bị bỏ rơi nhưng may mắn thay, lại được cưu mang bởi bà Barberin – người phụ nữ mà cậu vẫn nghĩ là mẹ ruột của mình cho đến khi lên 8. Qua lời cậu kể, tôi thầm cảm ơn bà Barberin đã cho một đứa trẻ có trọn vẹn tuổi thơ mà nó nên có, đã cho nó biết thế nào là âu yếm, thế nào là sự trách mắng, thế nào là tình yêu của một người mẹ. Một nhà hai người, sống trong ngôi làng được xem là nghèo nhất nước Pháp bấy giờ, họ vẫn cùng nhau tạo nên những kỉ niệm đẹp cho đến khi biếng cố ấy xảy ra.
Khi ông Barberin bị thương nặng trong lúc làm ăn xa, ở nhà bà Barberin phải xoay sở tiền bạc để gửi cho ông. Rồi khi ông trở về nhà, những tưởng Remy sẽ hoàn thiện tuổi thơ hơn khi xuất hiện thêm một người cha. Nhưng không, tất cả những gì cậu cảm nhận đều thể hiện rõ qua câu nói với bà Barberin – “Vâng, mẹ không đẻ ra con nhưng ông Barberin không phải là cha con”. Đọc đến đây, tôi bất chợt khựng lại, đây là câu nói của một đứa trẻ 8 tuổi ư? Nó khác hoàn toàn so với suy nghĩ ngây thơ trước đây của cậu – “Cha là một người mẹ có tiếng nói to”.
Và cho đến khi ông Barberin thực sự bán cậu cho một lão hát rong tên Vitalis, cuộc đời rong ruổi của cậu chính thức bắt đầu. Đáng thương thay, cuộc chia tay của cậu với mẹ là khoảng cách của những cánh rừng, thung lũng. Cậu chỉ biết đứng từ xa nhìn bà hết rảo bước từ trong ra ngoài để đi tìm con, lâu lâu lại gọi bà trong vô vọng. Dẫu biết đời người ai ai cũng phải trải qua các cuộc chia ly tình thân, chính tôi cũng vậy, đã có bao nhiêu cái sự hối hận muộn màng cứ thế tồn tại. Nhưng thật sự không thể nào chấp nhận được thực tế, cậu chỉ mới 8 tuổi, cái tuổi cần tình thương.
Nhưng thật may, cậu đã được trải nghiệm những cái đầu tiên trong cuộc đời rong ruổi của một đứa trẻ 8 tuổi. Lần đầu tiên cậu có những người bạn của mình, đó là Joli, Capi, Zerbino và Dolce – tất cả đều là những con vật trong đoàn diễn, lần đầu tiên được mua giầy, quần nhung, mũ, áo vét; tham gia các buổi biểu diễn kịch, buổi học chữ vỡ lòng,…tất cả đều nhờ ông Vitalis.
Và cũng chính cùng ông Vitalis, cậu đã nếm trải cuộc chia tay đau đớn lần thứ 2. Ông bị cảnh binh bắt khi cố gắng bảo vệ Remy và bị quy tội chống đối viên chức đang thi hành phận sự.
Cuộc chia tay lần này vẫn giống như lần trước, vẫn không có một lời từ biệt đúng nghĩa nào. “Nhưng về phần đứa trẻ mà tôi thương như con tôi, nó sẽ phải sống một mình” – câu nói mà ông Vitalis cố gắng xin quan tòa giảm hình phạt để mình có thể sớm trở về với đứa con ấy, tôi thấy nó đã là quá đủ đối với cậu rồi.
2 tháng chính là khoảng cách giữa cậu và người thầy ấy. Là một đứa sinh viên sống xa nhà nên có thể nói tôi có cái nhìn tổng quan về giá trị của thời gian. Chỉ trong ngày đầu tiên xa nhà, tôi đã trở nên vô định với mọi thứ trừ thời gian, cứ đắm chìm trong dòng chảy của kim đồng hồ chỉ mong sao đến giờ gọi về nhà, đến ngày lễ để được chen chúc trên chiếc xe khách chật chội, chật vật 8 tiếng để được ăn bữa cơm gia đình. Vậy với cậu bé ấy thì sao, câu nói ấy cho dù quá đủ so với cuộc đời bất hạnh của cậu thật đấy, nhưng cậu có đang thật sự ổn không?
“Người ta không nên nóng giận thật. Nhưng khốn nỗi nhiều khi người không làm được những điều phải làm.” – thật vậy, đọc đến đây tôi giận, tôi giận tác giả vì đã viết ra những cảnh chia ly như vậy, tôi giận cuộc đời vì nó thật thăng trầm, tôi giận con người xung quanh vì họ thật vô tâm với một cậu bé đáng thương.
Và khi có sự xuất hiện của bà Milligan cùng con bà Arthur, Remy đã có được một đời sống êm đềm, vô lo vô nghĩ, cái mà có thể nói là quá xa xỉ đối với cậu. Họ gặp nhau khi Remy và những người bạn của mình đang cùng nhau đánh đàn, nhảy múa để cố quên đi tiếng dạ dày đang hò reo. Còn hai mẹ con bà Milligan đang trong chuyến du thuyền gần đó thì vô tình bắt gặp. Bà Milligan muốn giữ cậu lại để cậu có thể cùng đứa con trai tàn tật của mình vui chơi, học hành mà cậu cũng không phải lo nghĩ gì về cuộc sống khi không có thầy bên cạnh nữa.
Rồi khi ông Vitalis trở về, cũng là lúc Remy phải quay lại con đường vô tận, nay đây mai đó. Bà Milligan có ý xin giữ lại Remy nhưng ông Vitalis lại không đồng ý. Mặc dù điều kiện sống cũng như mẹ con họ tốt thật đấy nhưng ông sợ cậu sẽ bị rơi vào trạng thái nô lệ trá hình, chủ yếu làm trò vui cho đứa con tàn tật của bà.
Tôi đơn giản lại nghĩ, nếu ở lại, chí ít họ cũng thật tâm yêu mến cậu, cậu cũng không phải đi hàng giờ đồng hồ để tìm chỗ trú, không phải chịu cái đói, cái rét kinh khủng ngoài kia. Nhưng tôi lại quên mất một điều, ông yêu đứa bé ấy và đứa bé ấy cũng yêu ông. Tôi nhớ lại những lần đầu tiên của cậu cùng ông, cảnh ông đứng ở tòa ngoái đầu lại và nở một nụ cười hạnh phúc khi trông thấy cậu. Tất cả chúng đều rất đẹp, đẹp ở đây tôi muốn nhấn mạnh hơn nó là tình thân.
Đôi khi cuộc sống bắt bạn phải lựa chọn, ở đây ông Vitalis đã dùng cả lý trí lẫn con tim để từ chối một cuộc sống ấm no cho con của mình. Tôi sợ sẽ có lúc ông phải gánh chịu cảm giác dằn vặt, cảm thấy có lỗi vì những quyết định của mình. Thật vậy, tôi không ngờ nó đến nhanh đến thế, một sự dằn vặt với mất mát quá lớn.
Đó là khi cả Zerbino và Dolce – 2 chú chó có lẽ đã bị chó sói tha vào rừng rậm, Joli – con khỉ đáng thương chết vì cái lạnh. 2 chú chó thông minh, hiểu chuyện, một chú khỉ hay hờn giận mỗi khi bị chủ ngó lơ, luôn luôn được ủ ấm trong chiếc áo khoác cũ kỹ của ông Vatalis.
Một lần nữa, chưa đến nửa cuốn sách mà tôi đã phải chứng kiến quá nhiều cuộc chia ly, mất mát đến đau lòng như vậy. Nếu là bạn, không biết bạn sẽ nghĩ như thế nào nhưng đến đây, tôi hối hận rồi. Đúng vậy, chỉ đến đây thôi tôi đã hối hận khi bắt đầu đọc nó…
Cái cảm giác bứt rứt khi đáng lẽ mọi chuyện phải diễn ra như thế này nhưng nó lại đi theo một hướng hoàn toàn khác. Cái hướng mà cả ông Vitalis, cậu Remy, ngay chính độc giả như tôi, à có lẽ cả chú chó Capi còn sót lại đều không mong muốn.
Chưa dừng lại, cái hướng đó nó còn bao gồm cả Vitalis. Ông ra đi khi đã quá sức chịu đựng với cái đói và cái rét. Ông ra đi khi đã bảo vệ Remy khỏi tay một kẻ diễn trò hay đánh đập trẻ nhỏ. Ông cũng lại ra đi không lời từ biệt với đứa con của mình. Nhưng tôi biết, ông ra đi với tất cả tình yêu, đã làm những gì tốt đẹp nhất cho cậu bé rồi.
Sau cái chết của ông, cậu được gia đình ông Accquin – một thợ trồng hoa tốt bụng nhận nuôi. Trước giờ, Remy – cậu chỉ đang sống một cuộc sống qua ngày, cuộc sống có làm thì mới có ăn. Nhưng nhờ ông Accquin cùng 4 người con của mình trong 2 năm sống cùng nhau, cậu đã tìm được mục đích sống – “Đời tôi chỉ có một mục đích: giúp đỡ và làm vui lòng những người yêu tôi và tôi yêu”.
Vậy khi ở cùng thầy mình – ông Vitalis, cậu xem cuộc sống là gì? Tôi đã thắc mắc như thế đấy. Đó là lý do tôi quay ngược về khi bắt đầu cuộc hành trình của ông Vitalis và cậu, để mà cố gắng tìm ra ý nghĩa cuộc đời của cậu. Nhưng không, tôi công nhận cậu đơn thuần chỉ đang sống một cuộc đời dưới sự lo liệu của thầy mình. Ông Vitalis đã khơi nguồn một cuộc sống mới tuy xuyên suốt chỉ là những khó khăn hiện hữu nhưng giá trị ông đem lại là mãi mãi.
Khó có thể so sánh được khoảng thời gian cậu sống cùng thầy mình hay gia đình ông thợ trồng hoa, ai là tốt nhất đối với cậu. Nhưng tôi chắc chắn rằng, đều nhờ họ, giờ đây cậu bé đã thực sự trưởng thành.
Cậu chọn cho mình cuộc đời bôn ba, không vững chắc nhưng đổi lại là sự tự do cùng với Capi, có lẽ cậu học được từ ông Vitalis. Cậu quyết định quay trở lại nghề diễn, đi hát rong, đi thực hiện ước hẹn với 4 người con của ông Accquin là sẽ thông tin cho nhau.
May mắn thay, trên cuộc hành trình đó còn có Mattia – cậu bé xưa ở cùng ông lão diễn trò hay đánh đập trẻ nhỏ. Họ vô tình gặp lại nhau và từ đó cùng nhau trải qua biết bao buổi trình diễn, đi qua biết bao con đường, cùng nhau cố gắng kiếm tiền mua bò sữa để đền đáp mẹ nuôi của Remy – bà Barberin.
Có một thời khắc Mattia được một ông nhạc sư tỏ ý muốn nhận cậu làm học trò, và cũng chỉ cần một khoảnh khắc ngắn thôi, Mattia đã dõng dạc từ chối chỉ vì không muốn bỏ lại Remy.
Tôi lại nhớ đến giây phút ông Vitalis từ chối bà Milligan khi được ngỏ ý nhận nuôi Remy, tất thảy cũng chỉ vì nghĩ cho cậu. Cậu đã từng nghĩ – “Ai cũng nhận thấy lúc tỉnh dậy, cái ảo giác vẫn còn sức mạnh và in sâu vào óc người ta”, nhưng thật may, giờ đây cậu sẽ không còn những ảo giác như thế nữa. Cậu có những người thực sự yêu thương, hi sinh vì mình và đặc biệt hơn, cậu có một gia đình thực sự.
Cùng sự trợ giúp của Mattia, cậu đã tìm thấy gia đình thật sự của mình. Bạn có thể nói nó không phải là một gia đình hoàn hảo vì thiếu bóng hình của người cha. Nhưng đối với Remy, gia đình cậu rất hoàn hảo vì mẹ cậu chính là bà Milligan – người phụ nữ hiền dịu đã bên cạnh cậu khi ông Vitalis bị bắt và quan trọng hơn cả là cậu không hề bị bỏ rơi.
Từ giờ, cậu bé 8 tuổi lang bạt ngày nào không còn phải chịu cái đói, cái rét, những sự mất mát trên những con đường vô tận mà em không biết “điểm đến” nữa rồi. Vì hiện tại, em có nhiều hơn cái gọi là “điểm đến”, đó chính là “điểm tựa”. Em có một nơi để em gửi gắm, những con người để em nương tựa và tôi cũng nhận thấy rằng, em chính là “điểm tựa” vững chắc nhất cho họ – những con người đã hiện diện trên đường đời của em.
Không hiểu sao khi đi đến đoạn kết của Không gia đình, đọng lại trong tôi không phải là những giây phút đoàn viên, mà chỉ toàn là những cuộc chia ly, mất mát, những nổi buồn dai dẳng đó. Cũng như câu nói của ông Vitalis với Remy trong ngày đầu khởi hành cuộc hành trình vô tận đó – “Con nên hiểu rằng đời người ta là một cuộc chiến đấu, trong đó người ta thường không thể làm được những điều người ta muốn”.
Thực vậy, trong cuộc đời của chính mình, đôi khi bạn có thể gặp những người như ông Barberlin, nhưng biết đâu sau đó bạn sẽ gặp được những người như ông Vitalis thì sao và có khi bạn còn dành cả đời mình chỉ để tiếc nuối một câu cảm ơn dành cho người đó.