Khi hơi thở hóa thinh không – Paul Kalanithi

“Có những người cả đời đi tìm ý nghĩa cuộc sống, cũng có những đời người mãi chẳng muốn hiểu ý nghĩa là gì”. Đây là câu trích dẫn mà tôi tâm đắc nhất khi đọc cuốn Khi hơi thở hóa thinh không của Paul Kalanithi.

Có một sự thật rằng tôi chưa từng viết review đánh giá về một quyển sách nào đó trước đây. Nhưng khi đọc cuốn hồi kí của Paul, tôi đã quyết định viết về nó, tôi muốn chia sẻ tới mọi người sự sâu sắc và ý nghĩa của cuốn sách, của cuộc đời của tác giả khi ở ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Cuốn sách là một quyển hồi ký của một nhà giải
phẫu thần kinh học viết khi đang trong những năm tháng chống chọi với căn bệnh
nan y – ung thư phổi quái ác. Nếu bạn đang muốn đọc một cuốn sách đầy nhân văn
về ý nghĩa cuộc sống, về y học, về cách nhìn nhận một cách sâu sắc về cái chết,
thì đây thực sự là một cuốn sách bạn nên đọc một lần trong đời.

Paul Kalanithi (1977) một vị bác sĩ giải phẫu thần kinh người Mỹ gốc Ấn Độ và là một nhà văn học, sinh sống và làm việc ở New York. Anh qua đời vào năm 2015, ở tuổi 37, khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thu phổi giai đoạn 4. 10 tháng sau, cuốn sách When Breathe Becomes Air, tên tiếng Việt là Khi hơi thở hóa thinh không được xuất bản và ngay lập tức nó lọt top những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times trong nhiều tuần liên tiếp.

Phần đầu tiên của cuốn sách, Paul trăn trở về việc lựa chọn nghề nghiệp của mình. Bởi, một câu hỏi anh luôn muốn theo đuổi trong suốt cuộc đời của mình mà vẫn chưa tìm ra câu trả lời: “Điều gì làm cho cuộc sống của con người có ý nghĩa?”. Vì vậy, lúc đầu Paul coi Văn học và Triết học như là một công cụ để tiếp cận vấn đề đó.

Nhưng trong quá trình theo đuổi, anh đã phát hiện ra Phẫu thuật thần kinh có ảnh hưởng trực tiếp đến sự mất mát của một con người. Và từ đó, anh quyết định thay đổi công cụ của mình bằng cách vào trường y và trở thành một bác sĩ giải phẫu thần kinh để tiến gần hơn đến ranh giới giữa sự sống và cái chết, để tìm ra câu trả lời thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa.

Lúc này, Khi hơi thở hóa thinh không có vẻ nặng về những kĩ thuật y tế, và những quan điểm nghề nghiệp mà một vị bác sĩ cần có. Nó đã được thể hiện rõ ràng trong câu “Sứ mệnh đạo đức lớn lao trong y học khiến những ngày đầu của tôi ở trường Y mang một áp lực nặng nề.”

Paul diễn tả mình đã cảm thấy tội lỗi nặng nề như thế nào khi phải “tháo tung lồng ngực một người đàn ông với một chiếc kìm” hay khi anh đã “mở bụng một thi thể”. Việc Paul cho rằng nên gọi những người đó bằng “người hiến tặng” thay vì từ “xác chết” đã phần nào cho thấy quan điểm đúng đắn và đạo đức nghề nghiệp của anh.

Có vẻ như với việc giải phẫu quá nhiều những “người hiến tặng”, cậu sinh viên trường Y đã làm rõ những mối quan hệ giữa ý nghĩa của cuộc đời và cái chết một cách sâu sắc hơn. Đó cũng là việc dễ hiểu, bởi Paul đã phải đương đầu với rất nhiều cái chết, chứng kiến những nổi thống khổ của bệnh nhân và chăm sóc cho họ.

Từ những lần anh đánh mất bệnh nhân của mình tới những lúc anh phải thay mặt họ quyết định đó tốt hơn là một cái chết nhẹ nhàng chứ không phải những cơn đau đớn dai dẳng nếu qua khỏi. Paul nhận ra rằng “Những câu hỏi giữa sự sống và cái chết, những câu hỏi mà tất cả mọi người đều phải đối mặt tại một thời điểm nào đó, thường nổi lên trong một tình huống y khoa”.

Ngôi trường Y cũng là nơi mà anh gặp Lucy, người
sau này sẽ trở thành vợ của anh và cũng là người ghi lời bạt cho cuốn sách khi
Paul đã không còn có thể viết nữa. Lucy cũng là một bác sĩ và cô là người luôn
bên cạnh Paul trong những lúc khó khăn khi anh thực hiện chương trình nội trú
hay cả khi anh đang chiến đấu với căn bệnh quái ác.

Các bạn hãy thử nghĩ mà xem, một người đàn ông còn đang trong giai đoạn vươn xa trong sự nghiệp của mình, một vị bác sĩ đã quen việc chẩn đoán những căn bệnh ung thư với bệnh nhân, người nắm rõ nhất về cái chết sẽ như thế nào khi nhận tin chẩn đoán rằng mình đang mắc căn bệnh quái ác đó. Paul thể hiện sự tuyệt vọng của mình ở chỗ “Cái chết, vốn rất quen thuộc với tôi trong công việc, nay lại ghé thăm riêng tôi”.

Kể từ lúc bị mắc bệnh, Paul đã liên tục hỏi bác sĩ chẩn đoán của mình về những chiếc đồ thị chết chóc mà anh đã quá quen thuộc. Anh biết rằng, sự nghiệp của mình đã chấm hết, từ này anh đã không còn là một vị bác sĩ giỏi giang, dành lấy sự sống cho người khác, mà trở thành một bệnh nhân đang tranh thủ sự sống của mình trong suốt 22 tháng còn lại.

Đối với nhiều người trong hoàn cảnh của Paul, việc lựa chọn buông bỏ, sống một cuộc sống không ngày mai là không có gì quá ngạc nhiên. Nhưng Paul thì không, anh chọn cách đối mặt với căn bệnh một cách dũng cảm hơn. Anh quyết định thử nghiệm phương án chữa trị mới, không cần đến cả những phương án thông thường là xạ trị và hóa trị.

Anh chọn quay về với cuộc sống thường ngày của một bác sĩ để làm xong những công việc còn đang dang dở của mình trước khi hoàn toàn từ bỏ ước mơ của mình. Anh bàn với Lucy về vấn đề sinh con và cả việc anh mong muốn sau này cô sẽ có một người đàn ông khác bên cạnh, vì anh sẽ không chịu nổi việc nghĩ rằng cuộc sống của cô sau này sẽ cô đơn như thế nào nếu anh mất đi.

Anh chiến đấu với tử thần bằng tất cả những nỗ lực tột cùng để níu kéo lấy sự sống, để có thể được tiếp tục bên cạnh những người thân của mình. Đó hoàn toàn không phải là một sự lựa chọn dễ dàng, đó là thứ ánh sáng hy vọng cho những người có cùng cảnh ngộ như anh.

Và Cady đã ra đời, càng làm cho những tháng ngày cuối cùng của Paul có thêm nhiều ý nghĩa. Paul đã có mặt trong khoảnh khắc Lucy vượt cạn, và có lẽ, anh rất trân trọng điều đó, rằng được ở bên cạnh vợ trong những giờ phút thiêng liêng như vậy.

Nhưng niềm lo sợ cho đứa con mới chào đời bé bỏng lại sắp phải xa người cha của mình. Trong những trang cuối cùng của cuốn sách, Paul vẫn không quên nhắn nhủ một thông điệp đầy cảm động đến Cady: “Khi đến một khoảnh khắc mà con phải nói về bản thân mình trong cuộc sống, về việc con từng là ai, những gì con đã làm và có ý nghĩa như thế nào với cuộc đời, cha nguyện cầu con sẽ không quên rằng, con đã từng lắp đầy tháng ngày của một người đàn ông sắp chết bằng một niềm vui chan chứa, một niềm vui cha chưa từng biết đến trong suốt những năm tháng trước đây”.

Anh
dành những tháng cuối cuộc đời mình để hoàn thành cuốn sách, anh viết mọi lúc mọi
nơi và không ngừng nghỉ. Bắt đầu bằng sự háo hức mỗi đêm khi còn là bác sĩ nội
trú, chiếc laptop lúc nào cũng được anh mang theo bên mình. Sau đó là những lúc
nằm trên giường bệnh, khi hóa trị chảy trong ven tay của anh, đến khi anh phải
đeo gang tay vì những khe nứt đã bắt đầu xuất hiện trên những đầu ngón tay vì
những cuộc xạ trị, anh vẫn không ngừng mong muốn hoàn thành cuốn sách.

Anh mất trong vòng tay của gia đình bằng cách từ bỏ hỗ trợ hô hấp và tiêm moocphin để được chết. Một cái chết nhẹ nhàng, thanh thản bên cạnh những người thân và con gái trong vòng tay. Có lẽ đây là ý nghĩa của câu hỏi mà anh luôn tìm kiếm trong những năm qua. Ngay cả khi bệnh thập tử nhất sinh, Paul vẫn sống một cách trọn vẹn, không bao giờ cúi đầu.

Quyết định nhìn thẳng vào cái chết một cách đầy hiên ngang và dũng cảm không chỉ minh chứng cho con người của Paul trong những giây phút cuối cùng mà đây chính là con người của anh từ trước tới bây giờ vẫn vậy. “Phần lớn cuộc đời mình, Paul luôn băn khoăn về cái chết – và liệu anh có đối mặt với nó một cách trọn vẹn tâm hồn mình hay không. Kết thúc, câu trả lời là “Có”.”