Hành trình về Phương Đông – Baird T. Spalding

Nếu đa phần mọi người thường nghĩ hai nền văn hóa Đông- Tây trái ngược, khoa học và tâm linh tưởng chừng như đối nghịch nhau, thì “Hành trình về Phương Đông” sẽ mở ra một chân trời mới nơi khoa học gặp Minh Triết, Đông Tây giao nhau.

Những cái không thể ấy vậy mà lại thành có thể dưới hồi ký của tác giả Baird T. Spalding khi một lần tìm về phương Đông, tìm về những giá trị trường tồn theo thời gian. Dù bạn theo chủ nghĩa duy vật hay duy tâm hoặc bất kỳ tôn giáo nào thì cuốn sách này hoàn toàn có thể thuyết phục được bạn bởi những giá trị vĩnh hằng của nó.

Nói đến “Hành trình về Phương Đông” có nhiều nhận định rằng nội dung sách khá phức tạp và mang đậm vị văn hóa triết học phương Đông, nên rất ít ai có hứng thú đọc đến tận cùng. Với tôi nhận định này có thể đúng, có thể sai tùy vào thời điểm người đọc cầm cuốn sách lên. Vào mỗi độ tuổi khác nhau, chúng ta đọc một cuốn sách giống nhau đều có thể mang lại cho bản thân những cảm giác khác nhau.

Tương tự như những sự việc trong đời sống, đọc sách cũng cần phải chọn đúng sách, đúng thời điểm thì mới thấm được hết cái hay của nó. Thế nên, “Hành trình về Phương Đông” hoàn toàn không phù hợp cho những thanh niên “trẻ trâu” ồn ào, những tâm hồn mới lớn và cả những bạn trẻ chưa đủ trải nghiệm.

Sách được viết dựa theo hồi ký của vị giáo sư Baird T. Spalding khi được cử qua Ấn Độ cùng với đoàn nghiên cứu của Hội khoa học Hoàng gia Anh. Chuyến đi đã thay đổi những suy nghĩ lâu nay của những chuyên gia về cõi tâm linh, huyền học và chiêm tinh học.

Cũng qua đó mà người đọc nhận thấy rõ sự khác biệt đối lập của nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Không chỉ cách biệt về vị trí địa lý, thời tiết khí hậu mà lối suy nghĩ của người dân hai nơi cũng khác biệt hoàn toàn.

Nếu phương Đông chuộng niềm tin tín ngưỡng thì người phương Tây lại muốn những suy nghĩ logic có bằng chứng kèm theo. Khi người phương Tây cho rằng lòng tin tâm linh của phương Đông là một điều gì đó không thật nhưng cũng chính khoa học Phương Tây bó tay với những điều này. “Bạn giống như một ly nước đầy, có rót thêm cũng chỉ tràn ra ngoài.” Tương tự như lời văn ấy, người phương Tây mãi mãi chẳng thể nào tìm ra được những điều mới mẻ nếu không chịu gạt bỏ đi những định kiến đó.

Đã đến lúc những nhà khoa học phương Tây quay về với cội nguồn của tín ngưỡng để học hỏi những chân lý quan trọng. Suốt hai năm ròng rã qua các đền đài, chùa chiền, chứng kiến nhiều cảnh lừa lọc, mê tín dị đoan cũng như lắng nghe niềm tin bất diệt vào đấng thần linh của người dân nơi đây, đoàn chuyên gia này đã mở rộng tầm nhìn, loại bỏ định kiến và tiếp thu những cái mới.

Thế giới này có hơn 7 tỷ người, mỗi người có một cuộc sống khác nhau, nhưng phải chăng ai rồi cũng hướng đến một bến bờ hạnh phúc. Bởi có lẽ nhu cầu cao nhất của con người không phải giàu sang phú quý mà là cảm giác vui vẻ hạnh phúc trong mỗi chúng ta.

Bạn thấy đấy, có nhiều người sống sung sướng đầy đủ là thế, nhưng có mấy ai thản nhiên thừa nhận rằng mình thật sự hạnh phúc. Hạnh phúc vốn dĩ không đong đếm được bằng những thứ vật chất phù phiếm bên ngoài. Bạn mua một căn nhà có to có lớn đến bao nhiêu nhưng quan trọng nhất không phải là cảm giác bạn ở trong căn nhà đó như thế nào sao?

Thứ hạnh phúc tạm bợ ấy thế mà nhiều người thèm khát lắm bạn ơi! Tôi tin rằng rất nhiều người hiểu rõ đạo lý này nhưng vẫn không thể nào có được một cuộc sống hạnh phúc. Bởi họ không thỏa mãn được bản thân, họ càng mơ ước nhiều thì chính bản thân lại càng thêm chật vật trong cái ham muốn đó. Thế nhưng đâu đó bạn vẫn tìm được những người sống hạnh phúc thật sự bằng phương pháp thiền.

Thiền không có nghĩa là bạn phải vào cửa Phật, mà thiền là một phương pháp giúp lòng bạn an nhiên, tâm càng tĩnh và hơn hết là nuôi dưỡng cái tâm hồn trân quý của mỗi chúng ta. Từ bỏ những ham muốn khiên cưỡng, những gì muốn đến rồi sẽ đến, của mình thì chính là của mình, không của mình có cầu cũng không được, sống thuận theo tự nhiên tâm hồn tự khắc bình an hơn. Đó chính là những thông điệp mà “Hành trình về phương Đông” muốn gửi đến độc giả của mình.

Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, đưa con người đến với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Và mỗi người lựa chọn một cách đối diện khác nhau với thứ cảm xúc chân thật nhất của bản thân. Dù cho bạn hành động như thế nào, thì bạn cũng phải chịu trách nhiệm với cái hậu quả của nó.

Thế nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều người dửng dưng hành động mà bỏ qua hậu quả của nó. Tên phạm nhân lúc đầu phạm tội nó sợ lắm chứ, nhưng nó thấy mọi người không ai biết và nó vẫn sống sung sướng.

Thế là nỗi sợ đó dần dần biến thành lòng ham muốn phạm tội mà không bị ai trừng phạt. Nhưng mà cái thế giới này nó đâu có dửng dưng đến vậy, nó chỉ là đôi lúc ngủ quên khiến nhân quả đến muộn mà thôi.

Bạn ngã từ lúc đầu hay từ lúc đang trên đỉnh của sung sướng thì cái ngã này đau hơn hả bạn? Câu hỏi này hẳn ai cũng có được câu trả lời cho mình nên hãy tin rằng nhân quả đến sớm đến muộn là có lý do của nó cả, nó còn tùy thuộc vào thái độ và tội ác mà bạn phạm phải. Tác giả thông qua khoảng thời gian sinh sống ở Ấn Độ đã khẳng định quy luật Luân hồi và Nhân quả luôn tồn tại như một định luật cho sự tiến hóa.

Con người sống đến một lúc nào đó rồi ai cũng sẽ trở về với cát bụi. Nghe đến cái chết, chắc rằng có nhiều người đang run rẩy sợ hãi nhưng cũng có nhiều người tò mò hiếu kỳ cuộc sống sau khi đã chết.

Liệu nó có như những bộ phim điện ảnh chúng ta thường xem, những câu chuyện kinh dị từng nghe kể? Đây là một câu hỏi đến nay vẫn chưa có khoa học nào chứng minh được. Thế nhưng sách lại mở ra cho chúng ta một chân trời mới, khám phá đường đi lối bước của một người sắp chết.

Đâu đó chúng ta thường nghe những câu như “ba hồn bảy vía”, “ba hồn chín vía” từ dân gian, nếu bạn chưa thật sự hiểu về nó thì “Hành trình về phương Đông” sẽ là nguồn giải đáp cho bạn. Con người chúng ta không chỉ có mỗi thể xác này đang sống và phần hồn phần vía cũng song song tồn tại.

Khi cái chết ập đến, chỉ là chết cái thân xác này mà thôi, hồn và vía vẫn còn đó. Thế nên, đừng vội nghĩ cuộc sống này sống cho sang cho sướng là cho cái thân xác này. Chúng ta phải giác ngộ được sự tiến hóa của con người ở đây không phải về thể xác mà là tâm hồn.

Hết kiếp này, thân xác đã chết, nhưng hết kiếp này tâm hồn vẫn còn đó và sẽ chuyển kiếp trải qua kiếp khác. Nếu bạn còn sợ hãi về cái chết thì cuốn sách sẽ cho bạn một ánh nhìn khác về cõi tâm linh. Nó không hề đáng sợ ghê rợn như lời đồn bao nay mà nó là một cuộc sống khác của linh hồn mà thôi.

Những điều này nếu ai cần một bằng chứng thì xin thưa khoa học phương Tây vẫn còn đang bế tắc và chỉ có tín ngưỡng của phương Đông mới tìm ra được. Và cũng đừng nghĩ cuốn sách là điều gì đó mê tín dị đoan, cuốn sách vẫn luôn hướng đến những điều thiện lành.

Mỗi một chúng ta ai rồi cũng trải qua những cung bậc cảm xúc giống nhau, kinh qua những vị trí, bổn phận như nhau nhưng cũng sẽ có những trải nghiệm riêng biệt chỉ duy mình mới có. Dù cho bạn đang là ai, là cha là mẹ, là anh là chị hay là bạn là bè, thì bạn cũng cần cho mình một tư tưởng thoáng, một đầu óc rộng mở để tiếp thu những điều mới mẻ.

Hành trình về phương Đông” là một câu chuyện hướng người đọc đến một cuộc sống bình an trong tâm hồn. Một vạn lời chúc tiền tài phát đạt không bằng một lời chúc phước lành bình an. Hẳn tác giả mong rằng người đọc hiểu và tự tìm ra một cuộc sống cân bằng trong cuộc đời bập bênh này.