Một chiều tháng 7 gió lạnh đến buốt người, trên chuyến xe bus cuối ngày của Đà Lạt, nhiều khuôn mặt đăm chiêu hướng ánh nhìn ra ngoài của sổ mong được trở về nhà sớm và tôi cũng không ngoại lệ, chỉ mong về đến nhà trước khi ánh đèn đường bật sáng. Bên ngoài là tiếng gió vẫn rít từng cơn xuyên qua các khe cửa, rừng thông sừng sững vẫn đang nghiêng mình chống chọi với cơn gió dữ tợn.
Bên trong là tiếng nhạc du dương từ radio của xe bus, người ta chỉ biết ngồi khoanh tay lại hay xoa hai bàn tay vào nhau để giữ ấm cho cơ thể mà chờ đến trạm của mình. Bỗng tôi nghe bài thơ Tôi yêu em của Puskin được phát lên, nếu tôi không nhầm thì là giọng đọc của anh Vũ Hoàng, Mc lâu năm của Câu chuyện tình tôi, giọng đọc của anh nghe thật ấm áp làm sao:
“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”
Thời gian như ngưng động trong tim tôi ngay lúc ấy, khi mà cả cảnh và tình nhắc tôi nhớ ngay đếnEmily Jane Bronte, một nhà thơ, tiểu thuyết gia người Anh với tác phẩm Đồi gió hú, một kiệt tác trong văn học nước Anh đã làm nên tên tuổi của bà mãi đến tận ngày nay. Xuất bản cuốn sách dưới bút danh nam giới Ellis Bell, cuốn tiểu thuyết kinh điển này đã gây nhiều tranh cãi nhưng cũng không ít người đồng cảm, thương xót cho cuộc tình dữ dội và đầy éo le này.
Đồi gió hú được thuật lại một cách chi tiết thông qua người quản gia Nelly Dean, người đã chứng kiến tất cả số phận 3 đời của gia tộc Earnshaw và bà đã kể cho một vị khách đến thuê Ấp Thrusheross nghe khi ông ta nhắc về một giấc mơ lạ trong lúc ngủ nhờ ở căn phòng cũ của Catherine. Thông qua lời kể đầy tâm trạng nhưng cũng không kém phần kịch tính của Nelly Dean câu chuyện tình làm cho tôi cuốn vào như bị chôn chân trong cơn lốc xoáy ở Đỉnh gió hú.
Câu chuyện bắt đầu khi các nhân vật chính chỉ là những đứa trẻ sống trên một vùng đồi hoang, tách biệt với sự tấp nập của thị trấn. Anh em nhà Earnshaw vẫn rất vui vẻ với cuộc sống ở đồng hoang, luôn mong chờ cha trở về và mang theo những món quà đã được đặt trước.
Rồi một ngày cùng những món quà của các con, ông Earnshaw còn mang về một cậu nhóc rách rưới bẩn thỉu và đặt tên cho cậu ta là Heathcliff. Sự có mặt của thành viên mới khiến những đứa trẻ có mâu thuẫn khi chơi chung với nhau, nhưng mâu thuẫn chỉ xảy ra với Hindley là con trai ông Earnshaw, Hindley rất ghét Heathcliff khi có sự khác biệt về giai cấp nhưng lý do chính là vì Hindley cảm thấy kẻ mới đến đã tranh hết tình thương của cha cậu.
Cậu ta đánh đập và đối xử tàn tệ nhưng Heathcliff không hề kêu khóc hay van xin làm cậu càng thêm căm hận Heathcliff. Nhưng với Catherine lại khác cô rất thân thiện với Heathcliff, chỉ cho cậu ta những gì được học, chơi với nhau trên cánh đồng hoang và bảo vệ cậu ta khi bị anh trai hành hạ.
Tình cảm của Heathcliff và Catherine cứ thế lớn dần lên theo năm tháng, đặc biệt là khi ông Earnshaw qua đời thì cậu càng yêu Catherine nhiều hơn mặc cho sự đối xử tệ bạc của ông chủ mới nhà Earnshaw – Hindley Earnshaw.
Nỗi đau bắt đầu khi Catherine muốn được như những cô gái ở nhà Linton được mặc những chiếc váy dạ hội sang trọng và nhảy những điệu nhảy vui tươi, cô yêu Heathcliff nhưng lại muốn bước vào một thế giới khác, cô muốn Heathcliff bức phá, rời khỏi Đồi gió hú kiếm thật nhiều tiền và quay trở về đón cô, nhưng anh quá yêu cô, không muốn rời xa cô, mặc dù đã đi nhưng anh đã quay lại vì không chịu được cảnh xa cách Catherine.
Đọc đến đây nhiều người sẽ chỉ trích Catherine chỉ biết phú quý mà phụ tình yêu thanh mai của mình nhưng với tôi thì cô ấy không sai mà đó là sự chọn lựa. Có người đã nói với tôi rằng trong tình yêu ta nên lựa rồi sau đó chọn, chọn người phù hợp và mang đến cho mình hạnh phúc, đôi khi con tim sẽ thắng lý trí nhưng hạnh phúc có được bền lâu khi phải sống trong cảnh nghèo khó, phải chạy cơm hằng ngày, phải ngủ ở chỗ mưa tới đầu nắng tới mặt.
Phụ nữ ngày nay cũng vậy, họ không thực dụng, họ có thể lấy một người nghèo nhưng anh ta phải có năng lực và bản lĩnh kiếm tiền thì người con gái mới an tâm đi cùng anh ta. Và tôi nghĩ Cetherine cũng vậy cô muốn Heathcliff rời đi để phát triển sự nghiệp nhưng anh quá lụy tình cho đến khi nghe cô nhận lời cầu hôn của Edgar Linton. Lúc này tim anh rất đau và anh muốn bỏ trốn để có thể quên đi người yêu phản bội.
Hôn lễ giữa nhà Earnshaw và Linton được diễn ra, Edgar rất yêu Catherine và cô thì an nhiên làm phu nhân Linton- một cô chủ đúng mực. Và rồi Heathcliff quay về với khối tài sản lớn cùng với trái tim tan nát và lòng hận thù sâu sắc.
Anh thu mua tài sản của Hindlay và muốn thâu tóm luôn cả Thrusheross của gia đình Linton để trả thù người mình yêu. Sự đau khổ dành cho Catherine chưa dừng lại ở đó khi anh quyết định lấy Isabella là em gái của Edgar, anh muốn quanh quẩn trước mặt nàng, muốn trả thù cho sự phản bội, muốn nàng phải phát điên lên khi nhìn thấy anh ta và điều gì đến cũng sẽ đến khi sự ra đi của Catherine làm cho Edgar đau khổ một thì Heathcliff đau mười.
Giờ này thì con tim của Heathcliff không chỉ tan nát mà còn sẽ đóng băng và đóng băng mãi mãi cho đến chết. Cái chết của Catherine làm tôi chợt nghĩ nếu như ngày ấy Heathcliff cứng rắn hơn, bản lĩnh hơn ra đi lập nghiệp và nói nàng hãy chờ anh trở về đón nang trở thành hoàng hậu của anh thì mọi chuyện có lẽ sẽ khác, sẽ không có sự trả thù phi lí làm cho anh đau, cô đau và cả Isabella càng đau hơn khi nghĩ mình có thể thay thế được vị trí của Catherine trong lòng Heathcliff nhưng đến cuối cùng thì cô chỉ nhận được sự vô tâm thậm chí là oán giận vì cô là em gái của Edgar lấy cô chỉ với một mục đích duy nhất là trả thù.
Sự bình yên của cuốn tiểu thuyết này chỉ ngắn ngủi ở những trang đầu còn lại là những tấm bi kịch được dựng nên từ trang này qua trang khác mà không cần xem thể loại hành động người đọc cũng muốn nghẹt thở khi câu chuyện ngày càng trớ trêu mà không có điểm dừng. Heathcliff lại căm ghét con trai mình vì thằng bé mang đặc điểm của người hắn thù nhất, Hareton thì luôn yêu quý Heathcliff mặc cho ông ta là hành hạ cậu và những người thân của cậu.
Rồi đám cưới cận huyết giữa anh em họ… Mọi sự việc cứ chồng chéo len nhau như một mớ tơ vò, mỗi người có một cách suy nghĩ để bảo vệ bản thân nhưng họ vẫn không thể thoát khỏi nổi ám ảnh rằng chính họ là một phần của rắc rối trong câu chuyện tình nghiệt ngã này. Người chết cũng đã chết, người sống thì luôn giày vò đau khổ nhưng thể chết, tất cả mọi chuyện đều đưa những con người đáng thương này vào bế tắc không thể quay đầu.
Câu chuyện chỉ thực sự kết thúc khi Heathcliff chết thì Đồi gió hú kia mới trở về như ngày xưa, ngày còn tiếng cười vô tư của những đứa trẻ chưa vướng bận sự đời, ngày bình yên như lúc ông Earnshaw còn sống. “Đây phải là một kết cục cho tất cả những gì tôi sắp đặt, phải không nào? – ông ta nói. – Tôi cố tìm cách tiêu diệt hai gia đình, và tất cả những gì tôi đã dày công thực hiện sắp sửa kết thúc rồi. Giờ đã đến lúc tôi phải trả thù cho chính mình! Ấy vậy mà trong tôi có một cái gì đó khiến tôi không còn thấy hứng thú muốn hủy hoại chúng nữa. Cứ như là đang có một chuyển biến gì trong người tôi.”
Khi còn yêu nó là một tình yêu đẹp, đối phương có thể làm tất cả vì nhau, nhưng khi có một chút hận thù thì tình yêu chính là con dao vô hình sẽ đâm từng người một, làm cho họ chết dần chết mòn trong sự đau đớn. Lúc ấy hận thù sẽ che mắt tất cả và con người ta sẽ không còn giữ được lý trí.
Cả câu chuyện là nỗi đau dằng xé qua các thế hệ, từ người trong cuộc đến những người ngoài cuộc đều bị lôi ra cho sự trả thù này. Được xuất bản từ những năm 1847 nhưng cho đến nay câu chuyện về tình yêu và sự trả thù vẫn còn hiện diện trong đời sống của thế kỷ 21.
Có thể sẽ không liên lụy đến nhiều người như trong tác phẩm này nhưng nỗi đau của người yêu nhau và cả hai gia đình là không thể tránh khỏi, kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh đã không còn lạ lẫm. Nó thật sự là nỗi đau khủng khiếp có thể khiến người ta ân hận cả cuộc đời và còn tệ hơn khi kẻ sống – người chết như trong tác phẩm thì lời nguyền về sự đoàn tụ ở địa ngục thật đáng sợ “Catherine Earnshaw, cầu cho em không được an nghỉ chừng nào tôi còn sống! Em nói anh đã giết em, vậy thì hãy ám anh đi! Người bị giết thường ám kẻ giết mình, anh tin thế, và anh biết là xưa nay các hồn ma vẫn lang thang trên cõi trần. Hãy luôn ở bên anh, dưới bất kỳ hình thức nào, hãy làm cho anh phát điên lên. Đừng bỏ mặc anh trong nỗi thống khổ này nơi anh không thể nào tìm thấy em. ôi, lạy Chúa! Con không thể sống thiếu hồn của con”
Khép lại tác phẩm là hình ảnh của những kẻ yêu điên dại nằm dưới 3 nắm mộ Catherine, Egdar và Heathcliff. Cuộc chiến nội tâm được diễn tả một cách thực tế, mà tôi tưởng chừng như đó là một câu chuyện có thực.
Tình yêu có một sức mạnh khủng khiếp, nó có thể vực dậy một con người dưới vực sâu và cũng có thể giết chết một con người khỏe mạnh. Không biết điều gì đã làm cho Emily viết nên một tác phẩm quái dị trên cánh đồng hoang ở Yorkshire này nhưng đó là một tác phẩm vượt thời gian với lời cảnh tỉnh về tình yêu cho giới trẻ hiện đại.
Tác phẩm này đã được chuyển thể thành phim điện ảnh với sự góp mặt của nhiều diễn viên tên tuổi, nhiều bản phim được dựng qua các năm như 1939 hay 2009…, mỗi bản phim đều mang một giá trị đặc sắc nhưng dù ở thời điểm nào thì bút pháp nghệ thuật của Emily vẫn được khai thác một cách tinh tế, hoàn thiện.
Bước xuống xe bus cũng là lúc đèn
dường vừa bật lên, dù đã mặc một lớp áo dày nhưng tôi vẫn thấy lạnh, lạnh vì cái
gió của Cao nguyên thấm vào da thịt. Lạnh hơn vì trái tim tôi cứ nghĩ về mối
tình địa ngục trần giang của Catherine và Heathcliff, một mối tình mà khi yêu
ai cũng muốn được chân thành như họ nhưng cái giá phải trả cho sự chân thành ấy
thì sẽ chẳng ai có thể bước vào.
Kết thúc một chuyện tình đẹp nhưng không hoàn hảo tôi đi thật nhanh về nhà nhâm nhi một tách trà nóng và xem lại bộ phim Đồi gió hú.