Cánh đồng bất tận | Nguyễn Ngọc Tư | Allaboutmiracle

Cánh đồng bất tận, cái tên rầm rộ một thời cấp ba của tôi, chỉ biết nó là một bộ phim chiếu rạp rất hay nhưng khi ở một vùng quê thì vé phim được xem là thứ xa xỉ chỉ dành cho người có tiền nên tôi nào đã được xem và cũng không biết nó được chuyển thể từ sách. Lâu dần cái tên ấy đã được chuyển về trú ngụ ở quá khứ, mãi cho đến dạo gần đây khi cái tên Ninh Dương Lan Ngọc nổi lên, cô được mọi người chú ý và người ta bắt đầu tìm về quá khứ của cô, tìm về lại Cánh đồng bất tận đã vang bóng một thời.

Nhưng để nhắc về bộ phim đầy thành công này thì đầu tiên phải kể đến Nguyễn Ngọc Tư tác giả của Cánh đồng bất tận. Cô là một trong những nữ nhà văn xuất sắc của Việt Nam với giải thưởng văn học Asean 2008, và nhiều giải thưởng của hội nhà văn trong và ngoài nước.

Với những câu chuyện “cực ngắn”, chỉ tầm vài chương nhưng bằng bút pháp mạnh mẽ và lời văn bình dị Nguyễn Ngọc Tư luôn gây ấn tượng đối với các tác phẩm của mình, khiến tim bạn đọc luôn in sâu hình ảnh nhân vật ấy của từng câu chuyện như Khói trời lồng lộng, Cố định một đám mây, Ngọn đèn không tắt.

Cánh đồng bất tận là một trong những tác phẩm gây ấn tượng đặc biệt trong lòng đọc giả. Được xuất bản năm 2005 nhưng đến năm 2010 tác phẩm mới được chuyển thể thành phim, làm cho các nhân vật thủ vai trong phim và tác giả đến gần với công chúng hơn.

Điều đầu tiên khi nghĩ về cái tên Cánh đồng bất tận chính là một điều gì đó mênh mông rộng lớn trải dài khắp miền sông nước mà không có điểm dừng, nó khiến cho con người ta có cảm giác chơi vơi mà không biết nương tựa vào đâu. Quả đúng như vậy, mở đầu tác phẩm là hình ảnh bình dị, đúng chất của người dân nam bộ của ba cha con ông Út Võ phải lưu hành khắp các cánh đồng miền Tây.

Trong cuộc sống nghèo khó ấy nhưng Điền, Nương là con của ông Út vẫn mang trong mình những ước mơ nhỏ nhoi, những khát khao về cuộc sống tươi đẹp phía trước. “Cánh đồng không có tên. Nhưng với tôi và Điền, chẳng có nơi nào là vô danh, chúng tôi nhắc, chúng tôi gọi tên bằng những kỷ niệm mà chúng tôi có trên mỗi cánh đồng.

Chỗ chị em tôi trồng cây, chỗ Điền bị rắn cắn, chỗ tôi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên… Và mai này khi trôi dạt đến một nơi nào khác, nhắc đến cánh đồng này với cái tên của chị, chắc chúng tôi sẽ xốn xang.”

Toàn câu chuyện được kể bởi nhân vật Nương, và người chị mà cô nhắc đến chính là chị Sương người đàn bà với số phận làm đĩ, bị các bà vợ vây quanh đánh đập, xé tan quần áo. Và dã man hơn là đổ cả keo dán sắt vào cửa mình của chị, cố chạy khỏi sự vây bắt ấy Sương may mắn được chị em Nương cứu thoát khỏi sự truy đuổi của những người đàn bà kia.

Câu chuyện của tác giả tưởng như bình yên với cuộc sống vốn dĩ hay xảy ra thường ngày thì người đọc được một phen bất ngờ khi hai đứa con của ông Út đã cứu một người không quen biết mà có khi còn nguy hiểm đến bản thân của hai chị em thì ông Út lại là một người lạnh lùng dửng dưng như kẻ máu lạnh không quan tâm đến hành động của hai đứa con. Bạn đọc sẽ thấy bất ngờ với tình huống này nhưng cái gì cũng có nguyên nhân của nó, tôi sẽ không kể chi tiết nguyên nhân khiến người cha trở nên như vậy để các bạn tự đọc sẽ thấy hay hơn nhiều.

Người cha ở đây với quá khứ đáng phải quên
nhưng ông ta cứ giữ trong lòng để rồi không thể sống cuộc sống bình thường như
bao người và cũng không thể cho hai đứa con có được cuộc sống mà lẽ ra chúng
phải được có. “Tôi đành để cha đánh để ông bớt đau lòng. Sau nầy chị em tôi
không day dứt chi cho mệt, vì hiểu thấu ra, mình bị đòn chỉ vì là con của má,
vậy thôi.”

Sau mấy ngày chăm sóc cho chị Sương, chị cũng đã khỏe hơn nhiều nhưng thương thay Sương lại phải lòng ông Út và dĩ nhiên với một người lạnh nhạt như vậy thì bạn cũng sẽ biết thừa ông ta sẽ khinh thường chị như thế nào, chị là một con đĩ và mãi cũng chỉ là một con đĩ, chị không thể nào xóa đi vết nhơ ấy càng không có hy vọng gì để làm vợ ông Út.

Số phận nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư như đùa giỡn lên những con người ấy khi Điền với tình cảm non nớt của một đứa con trai mới lớn lại có tình cảm với chị Sương và Điền làm tất cả vì chị. Riêng tôi nghĩ tình cảm của Điền nói đúng hơn là cảm giác của Điền với chị Sương là tình thân, từ nhỏ mẹ Điền đã bỏ đi, từ đó Điền không tiếp xúc thân thiết với người phụ nữ nào ngoài Nương nên khi gặp chị Sương, cảm giác thân thiết lại trào dâng trong tim Điền khiến Điền đôi khi có những hành động trái phép.

Cuộc sống rong ruổi không biết đâu là nhà của 4 con người vô danh cứ diễn ra từ mùa nắng đến mùa mưa, từ ngày này đến tháng nọ, từ năm này sang năm khác mà đôi lúc Nương chỉ ao ướt được một lần nhìn thấy cái cây mà Điền trồng nở hoa, kết quả, nhưng nào đâu được vì có một người cha bạc nhược, vô tình. “Có lẽ vì cuộc sống của họ ngày càng xa lạ, với chúng tôi.

Họ có nhà để về, chúng tôi thì không. Họ sống giữa chòm xóm đông đúc, chúng tôi thì không. Họ ngủ với những giấc mơ đẹp, chúng tôi thì không. Nằm chèo queo, co rúm, chen chúc nhau trên sạp ghe, chúng tôi đánh mất thói quen chiêm bao. Điều này làm tôi và Điền buồn biết bao nhiêu, vì cách duy nhất để được nhìn lại hình bóng má cũng tan rồi. Mà, thí dụ như những cơn chiêm bao quay trở lại, chúng tôi không biết chắc là hình ảnh ấy của má có xuất hiện hay không.”

Câu chuyện có thể còn tiếp tục nếu chị Sương không bỏ đi. Cũng có thể nói vì cứu cha con ông Út và đàn vịt mà Sương đã rời đi. Đúng, Sương là một con đĩ nhưng là một con đĩ có tình người, có nhân tâm và có cả lòng tự trọng của một con người.

Cô hiểu cái nghề mà mình chọn không được người ta chấp nhận nhưng tình cảm cô dành cho ông Út là tình cảm chân thật của một người phụ nữ và nó không đáng bị chà đạp như vậy. “Tôi biết, đi một quãng xa, chị vẫn còn dõng tai đợi một tiếng gọi, “quay lại đi, Sương”. Nhưng chỉ gió ngêu ngao xoi mói vào mảng thịt sau tà áo người phụ nữ đang xiên xiên trên bờ cỏ rập rờn.

……

Chị
ngó trân vào cha, rồi day qua tôi, chị để rớt từng lời:


Má cưng ác một, nhưng người cha này của cưng ác tới mười.”

Sương bỏ đi Điền
cũng  dáo dác đi tìm, và cũng một đi
không trở lại nữa. Ông Út đã nhận ra điều đang tồn tại trước mắt bắt đầu biết
quan tâm hơn tới người chị của Điền. “Nương, ngủ sớm
đi!”, rồi sắm cho Nương cái nhẫn để phòng khi lấy chồng còn có của hồi
môn. Nhưng tình cảm mới ấm áp chưa được bao lâu thì than ôi! Cuộc đời con gái của
Nương bị vùi dập “Ba
người họ ập tới từ phía sau, quây lấy tôi, quần áo vẫn đẫm bùn, mặt mũi sưng
sỉa. Những thằng con trai hơi ngỡ ngàng, khi nhìn thẳng vào tôi, một đứa gầy gò
trạc thằng Điền lau dãi ròng rãi trên khoé miệng, thảng thốt, “con nhỏ đẹp
quá, mày”.

Đọc đến đây tôi đã kông kiềm được nước mắt khi nghĩ về cảnh ấy, dù biết chỉ là câu chuyện nhưng sao số phận con người lại trớ trêu đến thế, khi con người ta nhận ra lỗi lầm của mình thì đã quá muộn. Bốn con người cùng đi chung một hành trình nhưng lại mang bốn số phận khác nhau.

Thương chị Sương tuy là một con đĩ nhưng đầy tình nghĩa ấm áp, thương Điền đã không có tình cảm của mẹ, không được sự dạy dỗ của cha, nhưng vẫn là một con người lương thiện giúp đỡ người khác và là chỗ dựa cho người chị đáng thương của mình. Thương ông Út, dẫu biết ông là một người đàn ông nhu nhược, không dám đối diện với hiện tại, không thể quên quá khứ, đem những điều tồi tệ áp đặt lên hai đứa con của mình nhưng ông cũng đã từng là người chồng, người cha tốt.

Không thể không tức giận với những điều vô lý mà ông đã làm nhưng cũng không thể ghét bỏ ông. Và thương nhất là Nương, chỉ vì giống mẹ mà cô đã trải qua một tuổi thơ đầy ác mộng, phải chịu những trận đòn roi vô cớ từ người cha và đau đơn hơn là chịu sự làm nhục của “nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng.”

Cứ tưởng câu chuyện sẽ dừng lại với nỗi đau bất tận này thì vui thay Nguyễn Ngọc Tư đã cho nhân vật có con đường mở mang tên hạnh phúc. Nương và cha đã chuyển hẳn lên bờ để sinh sống, ông Út có công việc ổn định, còn Nương đã mang thai và “Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ, hay Dịu, Xuyến, Hường… Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn.”

Gấp lại trang sách có đau buồn nhưng cũng có niềm vui, có khổ đau nhưng cũng có hạnh phúc, Nguyễn Ngọc Tư đã cho đọc giả có trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đặc biệt. Những tác phẩm của chị, đâu đó đều phảng phất nỗi buồn nhưng đó đều là hiện thực của cuộc sống, thông điệp đằng sau tác phẩm đều mang đến cho con người ta những bài học vô giá, tự nghiệm lại và tự mở ra một con đường mới cho bản thân dù cho cuộc sống có bất công thế nào. “Điểm nổi bật của Cánh Đồng Bất Tận là thông điệp: hãy sống nhân ái để khỏi bị quả báo khổ.”

Biết về Nguyễn Ngọc Tư tuy trễ nhưng không phải là quá muộn, tôi hôm nay và bạn mai sau đều sẽ nhận được những thông điệp ý nghĩa từ những tác phẩm văn học của chị và ở đâu đó con người ta sẽ sống tốt đẹp hơn nhờ những tác giả đã mang ngòi bút của mình đi khắp Thế giới.

Review sách Cánh đồng bất tận

Download ebook Cánh đồng bất tận PDF tại đây