Bố già – The Godfather-Mario Puzo

Các bạn yêu văn học thân mến, hôm nay tôi sẽ nói về một tiểu thuyết kinh điển nước ngoài, mặc dù đã xuất bản từ rất lâu nhưng cái tên của nó không bao giờ “chết” trong lòng đọc giả, đặc biệt là những bạn thích thể loại hành động, đó là tiểu thuyết Bố già.

Nó không quá trần trụi và dứt khoắt như Chuông nguyện hồn aicủa Ernest Hemingway, nó cũng không nhẹ nhàng và ám ảnh như Đền tội (Atonement) của Ian McEwan, Bố già mang một bản sắc mới thu phục lòng người bởi sự chân thật với Nhân – Lễ – Nghĩa toàn vẹn mà nhiều người nói rằng đọc xong sách, xem xong phim, rồi nghe lại từ audio vẫn không thấy chán chút nào.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta có sự yêu thích mãnh liệt với Bố già, ẩn sâu bên trong tiểu thuyết ấy là cả một bầu trời chân lý được tồn tại vĩnh hằng.

Bố già là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn, nhà biên kịch người Mỹ, gốc Ý Mario Gianluigi Puzo. Được xuất bản vào năm 1969 bởi nhà xuất bản G.P.Putnam’s Sons, suốt một thời gian dài, Bố già luôn chiếm vị trí đầu trong bảng xếp hạng sách bán chạy nhất hành tinh.

Nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và có con số xuất bản đáng kinh ngạc: 11 triệu bản trong năm 1969 và 21 triệu bản tính đến tháng 7 năm 1999. Bố già đã được đồng chuyển thể thành phim cùng với Francis Ford Coppola (là đạo diễn, nhà sản xuất và nhà biên kịch phim của điện ảnh Mỹ), bộ phim đã nhanh chóng trở thành cuốn phim ăn khách nhất lúc bấy giờ. Mario Puzo cũng giành được Giải Oscar cho kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất vào giữa những năm 1972 và 1974.

Tôi chưa xem phim Bố già nhưng khi gấp lại những trang sách cuối cùng của tiểu thuyết này thì tôi không biết phải nói gì ngoài hai từ tuyệt vời. Tôi cứ ngỡ đây là một câu chuyện thực sự chứ không phải được dựng lên và tôi đang chứng kiến các sự việc của gia đình mafia ở những năm sau thế chiến thứ hai, với người lãnh đạo thường được bạn bè và người cộng tác gọi là là bố già Don Vito Corleone.

Mọi người thường có câu “anh hùng xuất thiếu niên” ý chỉ những người có gan, có tài thường ở độ tuổi trẻ khỏe có thể chiến đấu chứ lớn tuổi rồi thì khó mà làm được gì, chỉ còn lại cái tiếng nhưng ở tác phẩm Bố già thì tôi phải dùng câu “gừng càng già càng cay” bởi Bố già ở đây có thể chấp tất cả, đứng đầu trong một tổ chức trùm thế giới ngầm, khiến bao người khiếp sợ không phải là điều đơn giản.

Nói đến đây có thể bạn cho rằng ông là một tội phạm thì có gì đáng kính nhưng nói một cách dễ hiểu thì với tôi thì Don Vito Corleone giống như nhân vật Triển Chiêu trong phim Bao Công, anh ta giết người nhưng giết người gian ác, cướp của nhưng cướp của người giàu chia cho nhà nghèo và anh ta vẫn luôn được mọi người tung hô, nể trọng.

Bố già cũng vậy, ông khiến kẻ thù phải kiếp sợ, phải run lên bần bật khi nhắc đến tên ông nhưng lại là bạn tốt của những người dân nghèo, những người không được sự che chở của pháp luật và đặc biệt điều để người ta luôn nhớ đến ông chính là một ông Bố già của gia đình, làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho gia đình của mình. Ông nói: “một người đàn ông không dành thời gan cho gia đình thì không thể nào là một người đàn ông đúng nghĩa”.

Thật bất ngờ làm sao khi đây là câu nói của một ông trùm mafia vì người ta cứ nghĩ ở cái thế giới của xã hội đen thì ngoài chém giết, chơi bời, địa vị thì hai từ gia đình không bao giờ có trong đầu họ, may mắn lắm thì được làm bình phong cho có với người ta, nhưng đối với Don Vito Corleone thì không, ông thương các con của mình đúng nghĩa là một ông bố.

Như việc của Johnny Fontane, anh tuy chỉ là con đỡ đầu của Vito nhưng ông vẫn rất yêu thương anh, vì thế lực của Jack Woltz mà anh không được tham gia vai diễn trong một bộ phim Hollywood mà lẽ anh là vai chính phù hợp nhất trong bộ phim ấy. Sau khi nghe tâm sự của Johnny Fontane, Vito Corleone đã nói: “Ta sẽ đưa ra một lời đề nghị hắn không thể chối từ”. Câu nói này không hẳn là để thể hiện quyền lực, mà Vito còn muốn nhấn mạnh sự quan trọng của những người thân trong gia đình trong lòng ông.

a man who doesn’t spend time with his family can never be a real man

Người ta sẽ thắc mắc rằng một ông bố toàn vẹn với gia đình, toàn tâm với xã hội sao lại là một ông trùm đáng sợ. Vâng, cuộc sống nhiều khi là có những sự lựa chọn bất đắc dĩ khiến con người ta không có đường lui, trong hoàn cảnh ấy họ phải lưa chọn con đường tốt nhất để bảo vệ bản thân mình vì họ biết khi bản thân mạnh mẽ thì mới đủ sức bảo vệ những người thân xung quanh họ.

Vito Corleone bỏ Ý sang New York vì bị kẻ thù mưu sát, cuộc đời của bố già bắt đầu từ việc tiêu diệt gã bảo kê xấu xa để duy trì sự sống. Khi ấy ông đã bỏ yếu tố đạo đức sang một bên vì hắn đáng bị như vậy và ông tự nhận thấy trong cái xã hội loạn lạc bấy giờ pháp luật chẳng có ý nghĩa gì nên phải biết lách luật mà sống.

Đó là cái tài tình của tác giả khi hình ảnh của Vito Corleone nhuốm máu nhưng người ta không trách ông mà trách những kẻ đã biến ông bắt buộc phải ra tay tàn độc. Có những người còn căm ghét mấy kẻ xấu xa đó hơn ông nhưng họ không có đủ bản lĩnh để làm điều đó và khi Vito Corleone ra tay thì họ cảm thấy con đường phía trước còn có những tia sáng hy vọng.

Cuộc sống này có quá nhiều sự lựa chọn và chọn được làm một người tốt suốt đời là không thể. Có ai dám nói rằng cả một đời mình chưa từng làm chuyện trái với đạo đức.

Nhưng cái sai trái ấy là tốt hay xấu, là có thể quay đầu hay không còn tùy thuộc vào mức độ của sự việc. Như Michael, mặc dù là con trai của trùm thế giới mafia nhưng anh là một công dân Mỹ thực thụ, được ăn học đàng hoàng, có một mối tình đẹp, một tương lai tươi sáng và anh không muốn đi chung con đường với gia đình mình, anh muốn mình là một người lính hải quân trong sạch.

Nhưng sự đời không phải muốn là được, khi bố già gặp nạn gia đình đã thuê người bảo vệ ngày đêm nhưng tính mạng vẫn bị đe dọa. Trong lúc nguy nan thì người con trai giữa Frederico chỉ biết run rẩy sợ hãi.

Con trai lớn Stantino phải gánh trách nhiệm thủ lĩnh, thì Michael không còn lựa chọn nào ngoài việc “trở thành kẻ xấu”, Mario Puzo đã miêu tả cảnh Michael cầm súng đi giết viên cảnh sát ăn hối lộ và tên trùm ma túy, kẻ đứng sau vụ ám sát bố già, khiến mọi người bất ngờ.

Vì Michael muốn khác biệt với những người trong gia đình mà anh thậm chí anh không thèm mặc vest trong đám cưới của cô em gái, anh mặc hẳn quân phục người lính để khẳng định ranh giới với họ. Khi sự việc xảy ra dồn con người ta đến cuối đường thì bản chất của con người phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh, để bảo vệ mình và những người thân của mình.

Một sự lựa chọn không thể quay đầu nhưng mọi người vẫn không nhìn nhận Michael là một kẻ xấu xa mà là một kẻ “trừ gian, diệt ác”. Sau 3 năm ẩn nấu  để củng cố lực lượng và chờ thời cơ Michael  trở về Mỹ, kế thừa danh vị của Vito và từng bước lấy lại thanh thế và trở thành Bố già trong làng mafia của thế hệ mới.

Điều làm tôi ấn tượng sâu sắc với tác phẩm này đó chính là sự bình tĩnh của Vito Corleone, sự bình tĩnh tưởng chừng như máu lạnh của ông lại khiến cho gia đình mafia được bảo toàn nhân mạng và càng đứng vẫn hơn trong thế giới ngầm. Đó là khi nhận được tin con trai đầu bị nổ bom chết, con trai út bị truy sát mà không rõ tung tích, nếu là một người bình thường đã không thể chịu nổi và chuyện “nợ máu phải trả bằng máu” là điều khó thể tránh khỏi.

Nhưng không, bố già Vito rất thông minh và sáng suốt, ông đã thiết lập cuộc họp thượng đỉnh, đàm phán hòa bình với 5 gia tộc đối đầu ở New York. Tranh thủ sự ủng hộ của những đảng trung lập để kéo dài thời gian và đảm bảo an toàn cho con trai út của ông có thể trở về. điều đó càng chứng tỏ tình cảm lớn lao của ông dành cho mỗi thành viên trong dòng họ Corleone.

Với những gì mà Vito Corleone làm sẽ khiến cho bao nhiêu người phải suy nghĩ về bản thân của mình đặc biệt khi là một người đàn ông. Không nhu nhươc, không hèn nhát, sãn sàng bỏ đi lòng tự tôn của một ông trùm khét tiếng để bảo vệ những điều đơn giản tưởng chừng như vô nghĩa, nhưng những điều đơn gian ấy sẽ mang lại giá trị to lớn cho con người.

Và con trai út của ông cũng kế thừa cả tài năng và tấm lòng yêu thương gia đình. “Bố già mới” – Michael khi ngồi trước mặt ông em rể để chất vấn hắn về cái chết của anh trai trưởng. Anh đủ lạnh lùng để cả thân cận là Tom cũng rợn tóc gáy và cũng đủ chân thật một cách vô cùng thông minh, để khiến gã phản bội tự thú, vì hắn nghĩ hắn còn cơ hội sống sót. Nhưng sau đó, không có sau đó nữa.

Mario Puzo đã xây dựng hình ảnh của Vito Corleone một cách công phu nhưng không quá phóng đại, đủ quyết đoán, đủ nhã nhặn, đủ khiêm tốn, đủ lạnh lùng tàn ác nhưng biết lý lẽ, phải trái, đúng sai khiến người ta vừa khiếp sợ nhưng cũng không kém phần nể trọng. Với ngòi bút sắc xảo, lột trần những mánh khóe thủ đoạn hung tàn trong thế giới ngầm nhưng song song với đó tính nhân văn, tình người sâu sắc trong 32 chương của câu chuyện.

Từ  tiểu thuyết của Mario Puzo seri phim Bố già lần lượt ra đời và mang đến hàng loạt giải thưởng lớn cho diễn viên trong phim và cả bộ phim được đề cử lọt top những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Bởi vậy mới nói Bố Già là một tiểu thuyết kinh điển và huyền thoại, một mặt nó phản ánh thực tế về một xã hội ngầm chỉ nói chuyện bằng tiền và súng đạn nhưng mặt khác là tình cảm chân thành của người bố già Don Vito Corleone dành cho gia đình thân yêu của mình.